Tinh thần và giá trị lịch sử của Công xã Pa-ri 1871

Thứ tư - 17/03/2021 22:58
Cách đây 150 năm, ngày 18-3-1871, một sự kiện trọng đại diễn ra trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đó là việc thành lập Công xã Pa-ri - một nhà nước vô sản đầu tiên trên thế giới. Mặc dù chỉ tồn tại có 72 ngày, song những lý tưởng cao đẹp của Công xã Pa-ri vẫn luôn tỏa sáng và hiện hữu ở nhiều quốc gia, dân tộc, để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu.

Ngay sau khi Công xã Pa-ri ra đời, Hội đồng Công xã đã thi hành nhiều chính sách tiến bộ như: Bãi bỏ quân đội nhà nghề của giai cấp tư sản, thành lập Đội Vệ binh quốc dân để bảo vệ thành phố và chống lại quân Phổ xâm lược; giải tán lực lượng cảnh sát, hiến binh của chế độ cũ và dựa vào nhân dân vũ trang để bảo vệ trật tự trị an xã hội; tách hoạt động của nhà thờ ra khỏi các công việc của trường học và nhà nước. Hội đồng Công xã còn ra các sắc lệnh về thực hiện quyền làm chủ xí nghiệp cho công nhân, thành lập các hợp tác xã sản xuất, giải quyết nạn thất nghiệp, ban bố chế độ ngày làm việc 8 giờ và quy định mức lương tối thiểu bắt buộc; thi hành những biện pháp bảo hộ lao động; cải thiện điều kiện nhà ở và cung cấp lương thực cho dân cư; thực hiện cải cách trường học mà cơ sở của nó là nguyên tắc giáo dục phổ cập, không mất tiền, có tính chất bắt buộc; quản lý các công trình, di sản văn hóa, các hoạt động nghệ thuật để phục vụ đông đảo quần chúng...

Hội đồng Công xã cũng đề ra những quy định về mối quan hệ giữa Công xã với các tổ chức công đoàn, phụ nữ; thành lập các hội liên hiệp công nhân (ở các xí nghiệp do chủ bỏ lại); thực hiện chế độ kiểm soát của công nhân; tổ chức bầu cử những người lãnh đạo một số xí nghiệp nhà nước... Trong chính sách đối ngoại, Công xã Pa-ri thực hiện đường lối hòa bình, đoàn kết, bình đẳng và hữu nghị giữa các dân tộc.

Có thể khẳng định những chủ trương, biện pháp mà Công xã Pa-ri đề ra và thi hành cho thấy đây là một mô hình nhà nước kiểu mới của giai cấp vô sản, được giai cấp công nhân và nhân dân lao động nhiều nơi trên thế giới đồng tình, ủng hộ, noi theo. Trước sự xuất hiện của nhà nước vô sản, các thế lực thâm thù với cách mạng đã câu kết với nhau để lật đổ Công xã Pa-ri, xóa bỏ mọi thành quả cách mạng. Từ ngày 20 đến 28-5-1871, chính phủ phản động do A.Chi-e cầm đầu câu kết với quân đội Phổ, tập trung lực lượng bao vây, phản công đánh chiếm lại thành phố Pa-ri. Các chiến sĩ của Công xã đã chiến đấu với tinh thần quả cảm để bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, khiến kẻ thù vô cùng khiếp đảm. Song trước sức mạnh tấn công của kẻ thù, toàn bộ 147 chiến sĩ cuối cùng của Công xã đã anh dũng hy sinh ở góc tường phía đông nam của khu lăng mộ Père Lachaise, sau này nhân dân gọi góc tường này là “Tường Công xã Pa-ri”. Trong trận chiến bảo vệ nhà nước kiểu mới của giai cấp vô sản, gần 30.000 người đã bị kẻ thù tàn sát, hơn 40.000 người bị chúng bắt và trong số đó có nhiều người về sau cũng bị chính phủ phản động xử tử.

la commune de paris 2

Hy sinh trên chiến lũy của Công xã Pa-ri còn có nhiều thành viên của Quốc tế thứ nhất, nhiều chiến sĩ cách mạng của một số nước châu Âu và họ đã thể hiện tinh thần quốc tế vô sản cao đẹp. Công xã Pa-ri với tất cả những cảnh tượng bi tráng và đau thương của nó đã thúc đẩy nhà thơ lớn của nước Pháp là Ơ-gien Pô-chi-ê (Eugène Pottier) sáng tác bài Quốc tế. Bài thơ được một nhạc sỹ tài năng của Pháp là Pi-e Đê-gây-tơ (Pierre Degeyter) phổ nhạc (1888). Bài Quốc tế ca hùng tráng thấm đẫm máu đào của các chiến sĩ cách mạng quốc tế bảo vệ Công xã Pa-ri, đã trở thành bài ca chính thức của giai cấp vô sản trên thế giới; là tiếng kèn lệnh chiến đấu kêu gọi mạnh mẽ tinh thần đoàn kết của giai cấp công nhân và nhân dân lao động các nước đoàn kết lại, đứng lên lật đổ mọi áp bức bóc lột, bất công, xây dựng một chế độ xã hội mới công bằng, văn minh.

Sinh thời, C.Mác đã tổng kết những bài học kinh nghiệm của Công xã Pa-ri trong tác phẩm “Nội chiến ở Pháp”. Ông đánh giá rất cao tinh thần quật cường, ý chí hy sinh anh dũng và ý nghĩa lịch sử to lớn của Công xã Pa-ri. Nhiều vấn đề lý luận của chủ nghĩa xã hội khoa học được C.Mác xác minh, kiểm nghiệm, bổ sung và phát triển. C.Mác khẳng định: Công xã Pa-ri là một nhà nước kiểu mới của giai cấp công nhân, là hình thức chính trị của sự giải phóng xã hội mà giai cấp công nhân và nhân dân lao động đã tạo ra.

Đánh giá về ảnh hưởng sâu sắc của Công xã Pa-ri đến cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân ở châu Âu cuối thế kỷ 19, V.I.Lê-nin nhấn mạnh: Công xã Pa-ri đã khuấy động mạnh mẽ phong trào xã hội chủ nghĩa ở toàn thể châu Âu; đã dạy cho giai cấp vô sản châu Âu “đặt những vấn đề cách mạng xã hội chủ nghĩa một cách cụ thể”. Tuy có phạm sai lầm và thất bại, nhưng đó là hình thức chính trị “rốt cuộc đã được tìm ra” và Công xã Pa-ri “vẫn là một kiểu mẫu vĩ đại nhất của phong trào vô sản vĩ đại nhất trong thế kỷ 19”.

Cách đây 150 năm, ngày 18-3-1871, một sự kiện trọng đại diễn ra trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đó là việc thành lập Công xã Pa-ri - một nhà nước vô sản đầu tiên trên thế giới. Mặc dù chỉ tồn tại có 72 ngày, song những lý tưởng cao đẹp của Công xã Pa-ri vẫn luôn tỏa sáng và hiện hữu ở nhiều quốc gia, dân tộc, để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu.
 

Nguồn tin: Báo Quân đội Nhân dân

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên Kết Website
Lượt người truy cập
  • Đang truy cập32
  • Máy chủ tìm kiếm14
  • Khách viếng thăm18
  • Hôm nay9,672
  • Tháng hiện tại291,869
  • Tổng lượt truy cập10,388,451
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây