Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX

Thứ ba - 20/08/2024 04:14
TCCS - Tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã nhất tề đứng lên tạo thành cơn bão táp cách mạng, lật nhào ách thống trị của phát xít Nhật, giành lại quyền độc lập cho dân tộc. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Từ những giá trị và tầm vóc to lớn đó, Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được khẳng định là một trong những “chiến công hiển hách và thắng lợi có ý nghĩa lịch sử và thời đại của dân tộc Việt Nam”(1) trong thế kỷ XX.
Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập _Ảnh: Tư liệu

1- Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đập tan ách thống trị hơn 80 năm của chủ nghĩa thực dân, phát xít tàn bạo, chấm dứt sự tồn tại của chế độ phong kiến lỗi thời; thiết lập nền dân chủ cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên độc lập, tự do, nhân dân lao động làm chủ đất nước. Sự ra đời của Nhà nước dân chủ nhân dân ở Việt Nam là bước nhảy vọt to lớn, là cuộc cải biến xã hội vĩ đại không chỉ của lịch sử dân tộc Việt Nam mà của cả lịch sử phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của các dân tộc bị áp bức chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc trên thế giới.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thể hiện nhãn quan chính trị nhạy bén của Đảng khi nhận định những mâu thuẫn cơ bản giữa nhân dân Việt Nam và đế quốc, tay sai đã trở nên sâu sắc, từ đó yêu cầu độc lập dân tộc được đặt ra bức thiết, nhiệm vụ giải phóng dân tộc được đặt lên hàng đầu. Đây không phải là nhận thức “ngẫu nhiên” mà là kết quả của cả một quá trình đúc rút kinh nghiệm của Đảng qua cao trào cách mạng 1930 - 1931, đỉnh cao là Xô-viết Nghệ - Tĩnh và cao trào cách mạng dân tộc dân chủ những năm 1936 - 1939, có sự vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến. Giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp là cơ sở quan trọng để Đảng xác định đối tượng chính của cách mạng ở từng giai đoạn cụ thể, từ đó tổ chức lực lượng đánh bại kẻ thù, mở đường cho Cách mạng Tháng Tám đi đến thành công, bởi “Nhiệm vụ phản đế và nhiệm vụ phản phong kiến khăng khít với nhau là một vấn đề chiến lược cách mạng. Nếu tách hai nhiệm vụ đó ra thì có thể đưa cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đến chỗ thất bại. Tuy vậy, hai nhiệm vụ đó không tiến hành song song nhất loạt ngang nhau. Đó là một kinh nghiệm quan trọng về chỉ đạo chiến lược của Đảng ta”(2).

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là cuộc vùng dậy và chiến đấu anh dũng của cả dân tộc, là đỉnh cao của ý chí quật cường, sức mạnh đoàn kết toàn dân, thể hiện tầm cao trí tuệ dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, Cách mạng Tháng Tám là cuộc cách mạng vĩ đại nhất, là trang sử vẻ vang nhất, chói lọi nhất. Với Cách mạng Tháng Tám, “Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa”(3). Cách mạng Tháng Tám làm nên “cuộc đổi đời” cho toàn dân tộc. Từ thân phận nô lệ, nhân dân ta trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Trong những ngày Cách mạng Tháng Tám (từ ngày 14 đến ngày 28-8-1945), quần chúng nhân dân thông qua hình thức đấu tranh chính trị, như mít tinh, biểu tình, vận động binh lính,... có sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang, đã nhanh chóng giành thắng lợi. Có thể nhận thấy, Cách mạng Tháng Tám diễn ra chỉ với một khoảng thời gian ngắn, gánh chịu ít hy sinh, tổn thất là do sự nhạy bén, sáng tạo của Đảng trong việc đánh giá tình hình, chủ động nắm bắt thời cơ, tiến hành tổng khởi nghĩa bằng phương pháp đấu tranh phù hợp. Trong bối cảnh phát xít Nhật ở Đông Dương tan rã, chính quyền tay sai tê liệt, quân đồng minh chưa tiến vào Việt Nam, lực lượng chính trị và vũ trang cách mạng được rèn luyện qua thực tiễn đấu tranh..., Đảng ta đã phát động tổng khởi nghĩa, lãnh đạo quần chúng nhân dân giành chính quyền. Nhờ vậy, cách mạng đã tránh được sự đụng đầu với kẻ thù khi còn đang mạnh, đồng thời tạo nên thế hợp pháp, chính nghĩa của Chính phủ lâm thời khi đón tiếp quân đồng minh. Tổng kết về Cách mạng Tháng Tám, Nghị quyết Đại hội III của Đảng chỉ rõ: “Nếu Đảng ta trước đó không xây dựng lực lượng vũ trang và thành lập những khu căn cứ rộng lớn để làm chỗ dựa cho lực lượng chính trị và phong trào đấu tranh chính trị, và khi điều kiện đã chín muồi không mau lẹ phát động cuộc khởi nghĩa vũ trang thì cách mạng cũng không thể mau chóng giành được thắng lợi”(4).

Sự đúng đắn, nhất quán của Đảng trong việc xác định phương hướng, mục tiêu, xây dựng lực lượng và phương pháp đấu tranh cách mạng, trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào điều kiện thực tiễn của xã hội Việt Nam thuộc địa, nửa phong kiến, được kiểm nghiệm qua chặng đường 15 năm đấu tranh cách mạng, đã dẫn đến đỉnh cao thắng lợi là Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đây là cơ sở vững chắc bác bỏ những luận điệu về “khoảng trống quyền lực” nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng và sự chuẩn bị của toàn dân cho cuộc tổng khởi nghĩa khi thời cơ khách quan thuận lợi xuất hiện. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng, cụ thể về lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang và chiến khu, căn cứ địa thì cho dù điều kiện khách quan có thuận lợi đến mấy cũng không thể tận dụng được để phát động toàn dân đứng lên giành chính quyền trên phạm vi cả nước trong một khoảng thời gian nhanh chóng như vậy.

2. Không chỉ có giá trị và ý nghĩa to lớn đối với cách mạng Việt Nam, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 còn là sự kiện trọng đại của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới trong thế kỷ XX. Đó là đòn quyết định phá tung một mắt xích quan trọng và thúc đẩy sự tan rã nhanh chóng của hệ thống thuộc địa; mở đầu quá trình sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám góp phần làm giàu thêm kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Nó chứng tỏ rằng, trong thời đại ngày nay, cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở một nước thuộc địa, do toàn dân nổi dậy, dưới sự lãnh đạo của một đảng Mác - Lê-nin, có đường lối đúng đắn hoàn toàn có thể giành thắng lợi.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lê-nin được vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam; là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng của Đảng ta gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, gắn sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; là sự thể nghiệm thành công đầu tiên chủ nghĩa Mác - Lê-nin tại một nước thuộc địa ở châu Á. Đây còn là quá trình phát triển tất yếu của lịch sử dân tộc trải qua mấy nghìn năm phấn đấu gian khổ, hy sinh, là đỉnh cao của ý chí quật cường, sức mạnh cố kết cộng đồng, tầm cao trí tuệ của dân tộc hòa quyện với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, với xu thế của thời đại là hòa bình, dân chủ, tiến bộ xã hội, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định ý nghĩa to lớn của Cách mạng Tháng Tám năm 1945: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc(5).

Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lần đầu tiên trong lịch sử, một Nhà nước dân chủ cộng hòa ra đời, gắn bó mật thiết với nhân dân - Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đó cũng là Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã cổ vũ mạnh mẽ các dân tộc bị áp bức ở các nước châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ La-tinh vùng dậy đấu tranh lật đổ ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, giành độc lập dân tộc. Đồng thời, góp phần tăng cường sức mạnh của lực lượng tiến bộ và yêu chuộng hòa bình trên thế giới đấu tranh cho độc lập, tự do và tiến bộ xã hội; ngăn chặn chiến tranh, bảo vệ hòa bình thế giới.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 sẽ tiếp tục được phát huy cao độ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay, phấn đấu vì một nước Việt Nam giàu mạnh và hùng cường_Ảnh: Hoàng Hải Thịnh

3. Thành quả vĩ đại và những bài học lịch sử vô giá của Cách mạng Tháng Tám và việc thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trở thành động lực và sức mạnh to lớn để nhân dân ta bước vào cuộc chiến tranh trường kỳ 30 năm chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Trong những năm đầu sau ngày đất nước giành được độc lập, nước cộng hòa non trẻ phải đối mặt với “thù trong, giặc ngoài”. Vượt lên những khó khăn đó, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện sách lược tạm hòa hoãn với Pháp và Tưởng để duy trì hòa bình, củng cố chính quyền cách mạng, tiến hành diệt “giặc đói”, “giặc dốt” và chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến trường kỳ chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với tinh thần “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”(6), trên cơ sở đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính, với phương châm: Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc; vừa chiến đấu, vừa xây dựng lực lượng; vừa kháng chiến, vừa củng cố hậu phương, và với phương pháp tác chiến thích hợp, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã lần lượt làm phá sản các chiến lược của kẻ thù. Sau chín năm trường kỳ kháng chiến, trải qua hơn 3.000 ngày đêm chiến đấu hy sinh, gian khổ, nhưng vô cùng anh dũng và tự hào, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải rút quân về nước và thừa nhận các quyền dân tộc cơ bản: độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và các nước Đông Dương.

Với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, “lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là một thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là một thắng lợi của các lực lượng hòa bình, dân chủ và xã hội chủ nghĩa trên thế giới”(7).

Sau Hiệp định Geneva năm 1954, hòa bình được lập lại ở miền Bắc, nhưng tại miền Nam, đồng bào ta vẫn rên xiết dưới gót giày của đế quốc, tay sai. Trước tình hình đó, nhiệm vụ thiêng liêng của cả dân tộc là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thực hiện nhiệm vụ cao cả này, nhân dân cả nước bước vào cuộc kháng chiến thần thánh đầy khó khăn, gian khổ nhưng với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”(8) và với niềm tin sắt đá “dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn”(9), dân tộc Việt Nam một lần nữa đứng lên đánh đuổi đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai.

Trải qua 21 năm chiến đấu anh dũng, với đường lối chính trị, đường lối quân sự độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh khoa học, linh hoạt của Đảng; với phương châm toàn dân đánh Mỹ, cả nước đánh Mỹ, “mỗi người dân là một dũng sĩ diệt Mỹ”; với sự chi viện của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa và nhân loại tiến bộ trên thế giới..., quân và dân ta đã đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975 đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thành quả vĩ đại nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc; kết thúc cuộc đấu tranh suốt 30 năm, giành độc lập hoàn toàn cho Tổ quốc, chấm dứt ách thống trị kéo dài hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân, đế quốc trên đất nước ta; mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi đó “mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX”(10).

Trong những năm đầu sau khi đất nước thống nhất, chúng ta gặp nhiều khó khăn lớn. Một mặt, chúng ta phải giải quyết hậu quả 30 năm chiến tranh; mặt khác, phải tiến hành các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; trong bối cảnh bị bao vây, cấm vận. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân tộc quyết tâm đồng lòng vượt qua khó khăn, nhanh chóng khôi phục sản xuất, xây dựng, củng cố chính quyền trên phạm vi cả nước, ban hành Hiến pháp mới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tuy nhiên, việc duy trì quá lâu cơ chế tập trung, bao cấp không còn phù hợp với thực tiễn đã làm bộc lộ những hạn chế, nhược điểm. Trong hoạch định và thực hiện đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa, có lúc, có nơi đã mắc sai lầm, khuyết điểm chủ quan, duy ý chí. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ, khủng hoảng kinh tế - xã hội trong những năm đầu cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Mười năm cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội (1975 - 1985), kể từ khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, là 10 năm Đảng ta tìm tòi con đường đổi mới. Đây cũng là thời kỳ tư duy mới được hình thành từng bước, bắt nguồn từ thực tiễn sinh động của cách mạng Việt Nam. Những thành tựu và khuyết điểm trong mười năm ấy đã để lại những bài học quý giá cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong những năm tiếp theo.

Trên cơ sở tổng kết thực tiễn và đổi mới mạnh mẽ tư duy, nhất là tư duy kinh tế, Đảng ta đã khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại hội VI của Đảng (tháng 12-1986) đã chính thức đề ra đường lối đổi mới đất nước, mở ra bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Qua các kỳ đại hội, từ Đại hội VII đến Đại hội XIII, Đảng ta luôn khẳng định tiếp tục đổi mới đồng bộ, toàn diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội với những bước đi, cách làm phù hợp, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa; kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, coi đó là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng. Đảng ta không ngừng phát triển tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, lãnh đạo toàn dân thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế.

Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đón chào năm mới_Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Qua thực tiễn công cuộc đổi mới đất nước, Đại hội X của Đảng nhận định: “Nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ngày càng sáng tỏ hơn; hệ thống quan điểm lý luận về công cuộc đổi mới, về xã hội xã hội chủ nghĩa và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã hình thành trên những nét cơ bản”(11). Đến Đại hội XIII, Đảng ta nêu rõ: “Lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa”(12).

Cùng với những thành tựu về mặt lý luận, thực tiễn công cuộc đổi mới đất nước gần 40 năm qua đã “đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện... Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay(13). Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được duy trì ở mức khá cao; tiềm lực, quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đặc biệt chú trọng, đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí chuyển biến mạnh mẽ, có bước đột phá, được tiến hành quyết liệt, có hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu, gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống”. Sự thống nhất, phối hợp đồng bộ giữa Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội được tăng cường. Chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh không ngừng được củng cố, kiên quyết, kiên trì đấu tranh giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và hiệu quả; vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao(14).

Công cuộc đổi mới đã đáp ứng được những đòi hỏi bức thiết của tình hình đất nước, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại; có ý nghĩa như một cuộc cách mạng trong thời kỳ mới; khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là phù hợp với thực tiễn đất nước và xu thế phát triển của lịch sử. Những thành tựu to lớn đạt được từ ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến nay chứng tỏ sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và dân tộc Việt Nam. Những bài học lịch sử quý báu từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 sẽ tiếp tục được phát huy cao độ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay, phấn đấu vì một nước Việt Nam giàu mạnh và hùng cường./.

-----------------------

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.6
(2) Trường Chinh: Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1975, t.II, tr. 494
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. 4, tr. 3
(4) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.21, tr.631
(5) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 21, tr. 631
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 534
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.410
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.130
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.618
(10) Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.37, tr.471
(11) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.17
(12) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr.25
(13) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.I, tr.25
(14) Xem: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.I, tr.77 - 78

Nguồn tin: Tạp chí Cộng sản điện tử:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên Kết Website
Lượt người truy cập
  • Đang truy cập82
  • Máy chủ tìm kiếm21
  • Khách viếng thăm61
  • Hôm nay7,700
  • Tháng hiện tại254,033
  • Tổng lượt truy cập10,761,352
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây