Chiến thắng 30/4 - mốc son chói lọi soi sáng đến mai sau

Thứ sáu - 29/04/2022 23:50
47 năm đã trôi qua, song hào khí của một thời kỳ lịch sử đau thương và anh dũng, sáng ngời khí chất, tâm hồn Việt Nam vẫn âm vang trong lòng người dân Việt Nam. Một cuộc chiến tranh kéo dài 20 năm với bao mất mát, hy sinh của các anh hùng, liệt sỹ, thương binh, Mẹ Việt Nam anh hùng, đồng bào và chiến sỹ cả nước. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng quang vinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, toàn quân, toàn dân Việt Nam đã muôn người như một thực hiện lời hiệu triệu của Bác: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”.
Chiến thắng 30/4 - mốc son chói lọi soi sáng đến mai sau

 

Một cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện đã diễn ra từ Bắc tới Nam. Miền Nam dũng cảm, mưu trí trên tuyến đầu Tổ quốc, miền Bắc vừa chiến thắng cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ, vừa là hậu phương lớn chi viện cho miền Nam. Khát vọng giải phóng miền Nam trở thành mệnh lệnh trái tim của hàng triệu người, nhất là các chàng trai, cô gái mười tám, đôi mươi “lứa tuổi ta đi cứu nước”. Thanh niên “3 sẵn sàng”, phụ nữ “ba đảm đang”, từ cụ già đến em nhỏ đều sẵn sàng góp sức mình đánh thắng giặc Mỹ. Cả dân tộc cùng chung một ý chí, một ước nguyện hòa bình, thống nhất non sông.

2

 

 

Đường Trường Sơn là tuyến đường huyết mạch chi viện cho miền Nam Việt Nam . Ảnh tư liệu

Đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh ngày đêm rầm rập bước chân đi, xe chạy với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Trên cung đường ấy, bom đạn địch đã cày đi xới lại, thả bom na-pan, thuốc diệt cỏ làm thiêu rụi cây cối, nhưng đường vẫn thông, xe vẫn chạy, hàng hóa, vũ khí vẫn đến các chiến trường. Những địa danh Truông Bồn (Nghệ An), Đồng Lộc, Khe Giao (Hà Tĩnh), đường 20 Quyết Thắng (Quảng Bình), Khe Sanh, đường 9 Nam Lào (Quảng Trị)… đã chứng minh sức mạnh của cả một dân tộc đối chọi với vũ khí tối tân của kẻ thù. Đường Hồ Chí Minh trên biển, tuyến hậu cần chiến lược độc đáo với huyền thoại những con tàu không số, những bến đỗ kéo dài suốt từ Đồ Sơn đến Mũi Cà Mau đã minh chứng cho những sáng tạo vĩ đại của cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam mà địch không thể ngờ tới.

3 1

Những năm tháng ác liệt trên ngã ba Đồng Lộc. Ảnh tư liệu

“Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”. Nhiều nữ tướng, nữ anh hùng Việt Nam đã xuất hiện như: Thiếu tướng Nguyễn Thị Định, anh hùng Trần Thị Lý ở Điện Bàn, Quảng Nam; anh hùng Phan Thị Ràng (chị Sứ) ở Hòn Đất, Kiên Giang… Nhiều tập thể nữ anh hùng như: Đại đội nữ dân quân pháo binh Ngư Thủy (Quảng Bình), Tiểu đội nữ C4, Đại đội 552 Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh)… Ở đâu trên khắp đất nước, mỗi tên đất, tên người đều ngời sáng những chiến công.

20 năm kháng chiến gian khổ, hy sinh, cả dân tộc ta đã nóng lòng đợi chờ ngày kết thúc thắng lợi, dồn sức cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, đỉnh cao là chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

 

Đảng đã lãnh đạo quân và dân mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy trên toàn chiến trường miền Nam, đánh tan toàn bộ ngụy quân với số lượng hơn 1 triệu tên và bộ máy ngụy quyền Sài Gòn, xóa bỏ chủ nghĩa thực dân kiểu mới ở miền Nam Việt Nam. Với tư tưởng chiến lược tiến công, phương pháp tác chiến linh hoạt, táo bạo, trong chiến dịch Tây Nguyên, quân ta tiến công trận địa, bao vây, chia cắt, đột phá thọc sâu… làm cho địch bị bất ngờ, không thể đối phó. Ở chiến dịch Huế - Đà Nẵng, ta tiến công rất nhanh khiến địch không kịp trở tay. Tiếp đó, các tỉnh duyên hải từ Đà Nẵng đến Nha Trang, quân và dân ta đều đồng loạt nổi dậy. Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị phê chuẩn đề nghị của Bộ Chỉ huy chiến dịch đặt tên chiến dịch tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định là Chiến dịch Hồ Chí Minh, khẳng định đây là một chiến dịch tiến công hợp đồng binh chủng quy mô lớn, có sự kết hợp với nổi dậy của quần chúng nhân dân kết thúc chiến tranh. Trong cuốn sách “Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng” (NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004), Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Ngày 7/4, tôi ra lệnh cho các đơn vị đang đổ vào chiến trường: “Mệnh lệnh: 1. Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng. 2. Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ”.

7

Nhân dân TP Đà Nẵng đón mừng quân giải phóng, tháng 3/1975. Sáng 30/4/1975, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 đánh chiếm Sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh tư liệu

8

Bản đồ tái hiện Chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh, kết thúc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước.

Mệnh lệnh được truyền đi khắp các chiến trường, thôi thúc những đoàn quân nhanh chóng tiến về Sài Gòn. Đêm 29, rạng ngày 30/4, 5 cánh quân như 5 gọng kìm tương đương 5 quân đoàn binh chủng hợp thành từ 5 hướng tiến vào nội đô cùng với lực lượng hậu cần hùng hậu 18 vạn người tạo nên một thế trận với sức mạnh áp đảo hoàn toàn. Thành ủy Sài Gòn - Gia Định đã điều động 1.700 cán bộ vào các quận nội thành và xã ven đô vận động quần chúng nổi dậy. Lực lượng vũ trang của thành phố với 2 trung đoàn, 5 tiểu đoàn bộ binh, đặc công biệt động và 3.500 du kích phối hợp chiến đấu, dẫn đường cho các binh đoàn chủ lực đánh chiếm các mục tiêu.

 

9h ngày 30/4, lực lượng đi đầu binh đoàn đột kích thọc sâu của Quân đoàn 2 tiếp tục vượt cầu Sài Gòn, tiến về phía Dinh Độc Lập. Tiểu đoàn 1 xe tăng do Đại đội 4 dẫn đầu, tiếp cận cổng chính Dinh Độc Lập. Xe tăng đi đầu mang số hiệu 843 do Đại đội trưởng Bùi Quang Thận chỉ huy quay nòng pháo, nhấn ga, húc vào cánh cổng bên trái (từ ngoài vào). Do đột ngột gặp sức cản lớn nên xe chết máy. Chiếc xe tăng mang số hiệu 390 do Chính trị viên Vũ Đăng Toàn chỉ huy đi sau vượt lên, lao vào húc đổ cánh cổng chính cửa Dinh Độc Lập. 11h30’ ngày 30/4/1975, cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, báo hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã toàn thắng. Cùng lúc đó, quân ta tiến vào Dinh Độc Lập. Tổng thống Dương Văn Minh và các thành viên nội các chính quyền Sài Gòn đầu hàng. Các đồng chí Trung đoàn 66 đưa Dương Văn Minh sang Đài Phát thanh Sài Gòn đọc lời tuyên bố đầu hàng không điều kiện quân giải phóng(*)

9

Trưa 30/4/1975, xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, sào huyệt cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh tư liệu

Ôi, buổi trưa nay, tuyệt trần nắng đẹp

Bác Hồ ơi! Toàn thắng về ta

Chúng con đến, xanh ngời ánh thép

Thành phố tên Người lộng lẫy cờ hoa(**)

10

Nhân dân chào đón quân giải phóng tiến vào Sài Gòn. Ảnh tư liệu

Buổi trưa ngày 30/4/1975 khắc chạm vào lịch sử đấu tranh giữ nước một mốc son chói ngời, như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa của thế kỷ XX. Mốc son ấy soi sáng mãi đến mai sau. Ký ức đẹp đẽ của chiến thắng lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước trở thành niềm tự hào, thành sức mạnh to lớn cho cả dân tộc vượt qua gian khổ, khó khăn, xây dựng một nước Việt Nam “hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” như mong ước sinh thời của Bác Hồ kính yêu.

(*) Theo Báo Quân đội Nhân dân điện tử, ngày 30/4/2020.

(**) Tố Hữu - “Toàn thắng về ta”.

NỘI DUNG: BÙI MINH HUỆ

ẢNH TƯ LIỆU

THIẾT KẾ: HUY TÙNG

5 GIỜ TRƯỚC

Nguồn tin: Báo Hà Tĩnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên Kết Website
Lượt người truy cập
  • Đang truy cập62
  • Máy chủ tìm kiếm26
  • Khách viếng thăm36
  • Hôm nay10,912
  • Tháng hiện tại250,154
  • Tổng lượt truy cập9,934,479
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây