Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với công tác xây dựng, thực hiện chuẩn mực đạo đức cách mạng

Thứ tư - 21/08/2024 03:38
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, tấm gương sáng về đạo đức, nhà lý luận xuất sắc, nhà chính trị bản lĩnh, trí tuệ suốt đời cống hiến cho lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của Nhân dân. Đồng chí đã dành trọn tâm huyết và trí tuệ đúc kết tinh hoa chuẩn mực đạo đức dân tộc và đạo đức của thời đại để xây dựng, thực hành các luận điểm về đạo đức cách mạng trong thời đại mới, góp gần đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng Đảng về đạo đức, cán bộ.
Screenshot 21 8 2024 111526

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là nhà báo, nhà khoa học chính trị, phụ trách công tác lý luận của Đảng trong nhiều năm, đã góp công lớn trong lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu, tổng kết, phát triển nhận thức của Đảng ta về đường lối đổi mới, về mô hình chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. Đồng chí đã trực tiếp nghiên cứu, công bố nhiều bài viết sâu sắc trên cả phương diện lý luận và thực tiễn về đạo đức cách mạng như: Tác phẩm Xây dựng chỉnh đốn Đảng - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn tập trung đúc kết những bài học quan trọng, sâu sắc về công tác xây dựng Đảng về đạo đức; các bài viết khái quát vấn đề về đạo đức, lối sống, ứng xử trong thi hành công vụ: Nói và làm, Chức vụ và uy tín, Thành tích, Của công và của riêng, Móc ngoặc, Cảnh giác, “Liên quan”, Thành kiến, Dân chủ và kỷ luật, “Thương anh em để trong lòng”, Cơ chế nói ngược, Tình đồng chí, Cách nhìn, “Phán”, “Tre già yêu lấy măng non”, Làm xiếc, Cái riêng và cái chung, Bí mật của đồng tiền, Xài sang. Vị trí, vai trò tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” được đồng chí nhấn mạnh trong bài: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, tiếp tục khẳng định giá trị xuyên suốt của đạo đức cách mạng và yêu cầu thực hành đạo đức cách mạng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.
người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng ký ban hành nhiều văn kiện, nghị quyết về công tác xây dựng Đảng: Nghị quyết trung ương 4 khóa XI nêu rõ những vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng, đáng chú ý làmột bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên... suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”; Nghị quyết trung ương 4 khóa XII chỉ ra hạn chế: “...Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước...; Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”[1]. Xây dựng Đảng về đạo đức là “nền tảng”, “cái gốc”, thực hành không ngừng, không nghỉ làm cho Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền. Giáo dục, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng là khâu then chốt, xứng đáng với mong mỏi của toàn dân, yêu cầu của xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hoàn thiện hệ thống chính trị, thực sự tiêu biểu cho “trí tuệ, danh dự và lương tâm của thời đại”, phải nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các giá trị đạo đức cách mạng theo tinh thần Đảng ta là đạo đức, là văn minh cho phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc”[2]; Kết luận 21-KL/TW, Khóa XIII cũng chỉ rõ: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý... chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói chưa đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật... việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên chưa hiệu quả...”. Trước khi “về với thế giới người hiền”, Tổng Bí thư đã ký Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị Về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới làm cơ sở chính trị, pháp lý để toàn Đảng, cán bộ, đảng viên tu dưỡng, tự soi, tự sửa, rèn luyện, thực hành đạo đức cách mạng.
Trong lãnh đạo, chỉ đạo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn tuân thủ nguyên tắc hoạt động của Đảng, chuẩn mực đạo đức cán bộ, đảng viên, với tinh thần không ngừng, không dừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, “...dứt khoát không đưa vào cơ quan lãnh đạo những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người đã phạm sai lầm hoặc sa sút về phẩm chất, đạo đức…[3]. Khi xử lý công việc đồng chí thể hiện tinh thần nhân văn, nhân đạo, vị tha, vì con người, vì lợi ích chung: “Không thích thú gì khi kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí rất đau xót, nhưng buộc phải làm”[4], Ai không dám làm thì đứng sang một bên cho người khác làm”. Trong cư xử, giao tiếp Tổng Bí thư sử dụng phong cách ngôn ngữ thắm tình dân tộc, đậm chất văn chương, vận dụng nhuần nhuyễn lời lẽ từ đời sống, đặc biệt là ca dao, tục ngữ, thành ngữ, để diễn đạt những vấn đề hệ trọng. Nhiều bài viết, bài phát biểu sâu sắc, gần gũi, có sức lay động, truyền cảm hứng cho mọi người, củng cố niềm tin của Dân với Đảng và Nhà nước. Nói về sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, Tổng Bí thư thường dùng những từ như: “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt”. Bên cạnh đó, Tổng Bí thư còn lẩy Kiều, dùng hình ảnh về lao động, thôn quê để ví von, minh hoạ như: “nhìn gà hóa cuốc;” “thấy đỏ tưởng là chín”, “chưa chín làm cho chín”, “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, “quyền anh, quyền tôi”, “cua cậy càng, cá cậy vây”, “Ngoại giao cây tre”, “chặt một cành sâu để cứu cả cái cây, “Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy”...
Học tập, rèn luyện, tu dưỡng những chuẩn mực đạo đức cách mạng trên quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và giá trị lý luận, thực tiễn mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong giai đoạn hiện nay cần quan tâm những nội dung chủ yếu sau:
Thứ nhất: Nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, yêu cầu việc thực hành đạo đức đối với cán bộ, đảng viên; cập nhật, bổ sung, hoàn thiện, cụ thể hóa và thực hành các văn kiện của Đảng, pháp luật về đạo đức cán bộ, đảng viên; thấm nhuần sâu sắc quan điểm của Tổng Bí thư: Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho có ý nghĩa, để không phải xót xa ân hận vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, vô liêm sỉ; tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất![5]. Tích cực, chủ động xây dựng, cụ thể hóa chuẩn mực đạo đức cách mạng cho các ngành, các cấp, lĩnh vực, các giới... để có hành vi ứng xử phù hợp và tích cực.
Thứ hai: Thường xuyên đánh giá, tổng kết thực tiễn, chỉ ra khó khăn, bất cập, nguyên nhân của sự xuống cấp về đạo đức; cần nhận thức rõsự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống thì mới dẫn đến tham nhũng, đây mới là cái gốc, cái cơ bản cần phải chống[6]. Lựa chọn cán bộ phải là những hạt nhân ưu tú, những người “phải vừa có Đức vừa có Tài, trong đó Đức là gốc (chữ Tâm kia bằng ba chữ Tài)”[7]; từng bước hoàn thiện thể chế để “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”, đồng thời nghiêm túc trong xử lý những cán bộ, đảng viên vi phạm với quan điểm xử một vài người để cứu muôn người”.
Thứ ba: Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, ngang tầm nhiệm vụ, tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng, với sự nghiệp cách mạng, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”[8]. Tăng cường giáo dục giá trị tốt đẹp của chuẩn mực đạo đức truyền thống và văn minh nhân loại, “khắc phục tình trạng ngại học, lười học lý luận chính trị, học để đối phó, học cốt để lấy bằng cấp trong Đảng và xã hội”[9].
Thứ tư: Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công việc, trong cuộc sống. Nghiêm túc tự soi, tự sửa, tự phê bình và phê bình; giữ vững kỷ luật, kỷ cương, tự giác nhận trách nhiệm chính trị lĩnh vực mình phụ trách khắc phục tình trạng “chân mình còn lấm bê bê. Lại cầm bó đuốc đi rê chân người”. Thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện lối sống, thực hành sống trọng tình nghĩa, khiêm tốn, giản dị, đoàn kết, nói đi đôi với làm và cầu thị trong học tập, lao động...
Thứ năm: Phát huy tối đa vai trò, chức năng của các cơ quan kiểm tra Đảng, Nội chính trong kiểm tra, bảo vệ chính trị nội bộ ngăn chặn từ sớm, từ xa những quan điểm, biểu hiện sai trái, lệch chuẩn về đạo đức, lối sống. Đấu tranh có hiệu quả với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên. Phát huy vai trò của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hộisự tham gia đánh giá, kiến nghị, phản ánh của Nhân dân để tập trung phát hiện, đề xuất giải pháp thực hiện đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên./.
Chú thích:

[1] Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG, tr.190, HN, 2021.
[2] Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG, T1. tr.184, HN, 2021;
[3] Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên họp đầu tiên Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV, ngày 13.3.2024.
[4] Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri ngày 23.6.2022 tại Hà Nội.
[5] Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào ngày 15.9.2021.
[6] Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại cuộc họp của Bộ Chính trị cho ý kiến về Đề án "Sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng", ngày 10.9.2021.
[7] Bài viết đăng trên báo Nhân dân, số ra ngày 27/4/2020, tr. 1, 3
[8] Bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 70 năm truyền thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (1949 - 2019)
[9] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 236
 
 

Tác giả: Th.S Hồ Thanh - Phó Trưởng phòng QLĐT & NCKH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên Kết Website
Lượt người truy cập
  • Đang truy cập56
  • Máy chủ tìm kiếm12
  • Khách viếng thăm44
  • Hôm nay10,751
  • Tháng hiện tại279,731
  • Tổng lượt truy cập10,376,313
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây