Từ nửa cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược và biến Việt Nam từ một quốc gia phong kiến có độc lập, chủ quyền thành một nước thuộc địa nửa phong kiến. Với ba chế độ chính trị khác nhau ở ba kỳ; đồng thời, hình thành cái gọi là “Liên bang Đông Dương thuộc Pháp”, kẻ thù âm mưu xoá tên Việt Nam khỏi bản đồ thế giới.
Quân Pháp đánh thành Hà Nội năm 1873. Tranh Internet
Cha ông ta anh dũng có thừa, máu đào của các bậc tiên liệt đã đổ xuống, nhưng cây độc lập, tự do cho Tổ quốc, cho nhân dân không ra hoa kết trái: “Bao nẻo người đi bước trước sau/Một câu hỏi lớn: Hướng về đâu? Năm châu thăm thẳm trời im tiếng/Sách thánh hiền lâu đã nhạt màu”1.
Không cam tâm nhìn đất nước lầm than, nhân dân nô lệ, với khát vọng cháy bỏng của một người yêu nước chân chính, vượt lên những hạn chế của lịch sử và tầm nhìn của những thế hệ đi trước, Nguyễn Tất Thành đã quyết định chọn con đường sang phương Tây, sang nước Pháp và các nơi khác. Để: “sau khi xem xét họ làm như thế nào”, thì “sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”. Đây là một quyết tâm lớn, có cơ sở khoa học, có định hướng rõ ràng với một tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo và trí tuệ đỉnh cao.
Ngày 5 tháng 6 năm 1911, một ngày lịch sử, một mốc đặc biệt quan trọng. Quan trọng không chỉ trong cuộc đời của một Con người, mà còn đặc biệt quan trọng đối với lịch sử của cả một dân tộc - ngày ghi lại sự kiện người thanh niên Nguyễn Tất Thành trên con tàu Amiral Latouche Tréville từ bến Nhà Rồng rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước. Đó cũng là khởi điểm của cuộc hành trình Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, từ người tìm đường, trở thành người mở đường, dẫn đường dân tộc; người đi tìm lại dáng hình của Nước - một nước Việt Nam độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất.
Bến cảng Nhà Rồng - nơi người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Ảnh: internet
Nếu chiếu theo bản đồ thế giới, chúng ta phải rất khâm phục và kinh ngạc, bởi trên hành trình vạn dặm, dấu chân Nguyễn Tất Thành đã đi khắp bốn biển năm châu, “Người đi khắp bóng cờ châu Mỹ, châu Phi”, đi khắp “những đất tự do, những trời nô lệ”. Đến bất cứ đâu, quốc gia, châu lục nào, ở Pháp, Mỹ, hay Anh… lúc nào Người cũng đau đáu một nỗi: “Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước”2; Người khao khát tìm một học thuyết, một chủ nghĩa, một mô hình cách mạng phù hợp với thực tế Việt Nam. Người đã “làm bất cứ việc gì để sống và để đi”, để tìm hiểu, học hỏi, xem xét, khảo sát, tìm kiếm và phát hiện. Người đã làm rất nhiều nghề, nhưng để phục vụ cho một nghề duy nhất – nghề cách mạng.
Sau khi trở lại Pháp (cuối 1917), Nguyễn Ái Quốc chính thức tham gia vào các cuộc đấu tranh sôi nổi, trực diện chống lại bọn thực dân xâm lược ngay trên đất nước của chúng. Bản Yêu sách của nhân dân An Nam mà Nguyễn Tất Thành (ký tên Nguyễn Ái Quốc) thay mặt Hội những người yêu nước ở Pháp, gửi tới Hội nghị Vécxây đã gây một tiếng vang lớn trong chính trường Paris. Đó là báo hiệu cho sự “cáo chung” của nền thống trị thực dân ở Đông Dương. Cũng từ đây, cái tên Nguyễn Ái Quốc trở nên có sức cuốn hút diệu kỳ đối với trái tim những người yêu nước; là niềm tin, là tiếng gọi từ tương lai của một nước Việt Nam độc lập, tự do.
Nguyễn Ái Quốc phát bểu tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp ở Tua, tháng 12/1920. Ảnh tư lệu
Và như một quy luật lịch sử, con đường gần 10 năm gian truân, bền bỉ tất yếu đưa Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác - Lênin. Mùa hè năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã đọc “Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lênin. Người “vui mừng đến phát khóc lên”! Bởi Luận cương đã làm cho Người “cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao”3!... Thế giới quan, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác – Lênin đã giúp Nguyễn Ái Quốc tổng kết thực tiễn, đúc rút lý luận để tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc duy nhất đúng của cách mạng Việt Nam - con đường cách mạng vô sản, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Bản thân Người trở thành người cộng sản, một chiến sỹ xã hội chủ nghĩa kiên trung.
Chủ nghĩa Mác – Lênin, qua bàn tay và khối óc tài tình của Nguyễn Ái Quốc và đội ngũ những cộng sự đắc lực - những học trò xuất sắc của Người, đã chọc xuyên qua “lưới sắt” của chủ nghĩa thực dân xâm nhập vào Việt Nam, trở thành một trong ba bộ phận hợp thành, đưa đến sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930), tạo ra bước ngoặt vô cùng quan trọng; mở ra con đường, phương hướng phát triển mới cho dân tộc Việt Nam.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong suốt chiều dài lịch sử thế kỷ XX và những thập niên đầu thế kỷ XXI, cách mạng nước ta đã đạt được những thắng lợi, những thành tựu to lớn, quan trọng, có ý nghĩa lịch sử và mang tầm vóc thời đại. Đó là thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm1945 - Thắng lợi vĩ đại đầu tiên, đánh dấu cuộc biến đổi to lớn trong tiến trình lịch sử dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Kể từ đây, Nhân dân Việt Nam từ thân phận của người mất nước, trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Nước ta từ một nước thuộc địa nửa phong kiến, trở thành một nước độc lập, một nước dân chủ nhân dân, hợp hiến và hợp pháp.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ảnh tư liệu
Đó là thắng lợi của 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội; thắng lợi của 35 năm đổi mới đất nước với “những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ toàn diện”, “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”4. Tạo nền tảng quan trọng để Việt Nam tiếp tục bước những bước mạnh mẽ “trở thành nước phát triển, thu nhập cao”5 vào khoảng giữa thế kỷ XXI.
Như vậy, từ ngày 5/6/1911 - dấu mốc khởi đầu con đường mới giải phóng dân tộc, đến nay vừa tròn 110 năm, nhưng sự khởi đầu ấy vẫn mãi mãi in đậm trong trái tim mỗi người yêu nước Việt Nam. Trên chặng đường ấy, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã tìm thấy và mang ánh sáng của Chủ nghĩa Mác - Lênin soi đường cho dân tộc đi tới thắng lợi. Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến, bị kẻ thù bao lần âm mưu xóa tên, chia cắt, đã “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, sánh vai cùng các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.
1.Thơ Tố Hữu: Theo chân Bác
2. Thơ Chế Lan Viên: Người đi tìm hình của nước
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập,Nxb CTQG, H,2011, t12,tr.562.
4,5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, H,2021, t1, tr.25,36