Yêu sách của nhân dân An Nam - Sự thức tỉnh về quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam và hiện thực lịch sử

Thứ hai - 30/03/2020 02:37
Cách đây đúng 100 năm, Nguyễn Ái Quốc thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pari (Pháp) gửi bản Yêu sách của nhân dân An Nam đến Hội nghị Vécxây. Mặc dù không được chấp nhận, nhưng bản Yêu sách như một ''quả bom'' đã làm chấn động dư luận nước Pháp. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, những người đến từ một nước thuộc địa ngang nhiên đứng ra đòi quyền lợi chính đáng cho dân tộc mình ngay tại “chính quốc”.

Tám điểm của bản Yêu sách tựu trung là các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, gồm “quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”, quyền tự quyết của quốc gia, dân tộc, quyền được hưởng tự do và độc lập. Vượt qua nhiều chông gai, thách thức qua các chặng đường lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, những quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam đã từng bước được hiện thực hóa, và hiện nay đang hướng tới mục tiêu xây dựng một xã hội XHCN dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. 

1. Bản Yêu sách của nhân dân An Nam - tiếng chuông thức tỉnh quyền dân tộc của các dân tộc bị áp bức nói chung, của nhân dân Việt Nam nói riêng

Khi nói đến quyền của một dân tộc (quốc gia) - Tuyên ngôn Độc lập (2-9-1945) của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nêu bật các giá trị bình đẳng giữa các quốc gia, các quyền cơ bản của con người và của các dân tộc, quyền tự quyết dân tộc và quyền được hưởng độc lập, tự chủ của mỗi quốc gia: “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Nhưng, đối với Việt Nam “... hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa. Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào. Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết. Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu...”(1). Như vậy, quyền cơ bản của dân tộc Việt Nam nói riêng, của các dân tộc bị áp bức nói chung đó là  tự do, độc lập để có được “quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”, bởi vì “ Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”(2). 

Trở lại lịch sử năm 1919, các nước đế quốc thắng trận trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918) tổ chức Hội nghị Vécxây tại nước Pháp. Tại Hội nghị, Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson đã đưa ra bản Tuyên bố 14 điểm, trong đó, điểm thứ 5 là “Giải quyết công tâm những vấn đề thuộc địa, chiếu cố các dân tộc bản xứ và các chính phủ”. Nhận thấy đây là cơ hội để yêu cầu các nước đế quốc thực hiện quyền các dân tộc, đặc biệt là các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam đang bị thực dân Pháp tước đoạt, thay mặt cho Hội những người An Nam yêu nước tại Pháp, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã gửi bản Yêu sách của nhân dân An Nam(3) đến Hội nghị Vécxây với lý do được viết rõ: “Trong khi chờ cho nguyên tắc dân tộc sẽ từ lĩnh vực lý tưởng chuyển vào lĩnh vực hiện thực do chỗ quyền tự quyết thiêng liêng của các dân tộc được thừa nhận thật sự” để đòi các quyền tự do cho nhân dân Việt Nam (gồm tám điểm(4)). Dưới bản yêu sách, Nguyễn Tất Thành ký tên: Nguyễn Ái Quốc(5). Đây là lần đầu tiên Người lấy tên Nguyễn Ái Quốc.

Sau khi gửi bản Yêu sách, Nguyễn Ái Quốc đã thuê in 6.000 tờ dưới dạng truyền đơn bằng tiếng Pháp để phân phát cho mọi tầng lớp trong xã hội Pháp, cả với Việt kiều và binh lính Việt Nam đang sống ở Pháp. Người còn tổ chức diễn ca bản Yêu sách bằng chữ Quốc ngữ để Việt kiều dễ nhớ và dễ hiểu về những yêu sách chính đáng của dân tộc Việt Nam.

Tuy cuộc vận động đấu tranh đòi các nước tham dự Hội nghị Vécxây ban hành một số quyền dân tộc cơ bản cho nhân dân Việt Nam không thành công, nhưng  bản Yêu sách thực sự là một tiếng chuông thức tỉnh về quyền dân tộc, tác động sâu sắc đến chính trường ở Pháp và Việt Nam cũng như đối với các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Ngày 18-6-1919, báo Nhân đạo (L’Humanité) của Đảng Xã hội Pháp, đăng tải bản Yêu sách với nhan đề: “Quyền các dân tộc”. Trên báo Tin tức thuộc địa, số ra ngày 27-6-1919, nhà báo Pháp Đơvila trong bài “Giờ phút nghiêm trọng” đã viết: “Làm sao một người dân thuộc địa lại có thể dùng bản yêu sách của nhân dân để công kích Chính phủ Pháp. Thật là quá quắt. Cứ theo đà này thì bọn dân thuộc địa sẽ lên ngang hàng với người Pháp chúng ta và sớm trở thành ông chủ của chúng ta. Không được, phải kìm giữ chúng mãi mãi trong vòng nô lệ”. Chính quyền thuộc địa ở Đông Dương đã báo cáo gửi Bộ Thuộc địa: “Nguyễn Ái Quốc tức Nguyễn Tất Thành, người đã có mặt trong vụ chống thuế ở miền Trung trong năm 1908; sau đó đã ở bên Anh trước khi đến Pháp... Ở Đông Dương đã coi Nguyễn Tất Thành như là một tên phiến loạn nguy hiểm”(6).

Bản Yêu sách của nhân dân Việt Nam đã tác động sâu sắc, làm thức tỉnh tinh thần yêu nước của những người Việt Nam: “Tên tuổi của Nguyễn Ái Quốc được trong nước biết đến là có thể vào dịp này. Mặc dầu bản Yêu cầu tám điểm chưa đòi hỏi gì nhiều hơn một cách đáng kể so với những điều mà Phan Châu Trinh đã đòi hỏi từ trước. Nhưng việc đưa một bản Yêu cầu như thế ra trước một hội nghị quốc tế để đánh thức sự chú ý của thế giới đối với vấn đề Việt Nam, là một việc làm hết sức khôn khéo. Nhân dân trong nước đánh giá cao hình thức đấu tranh mới mẻ này. Tên Nguyễn Ái Quốc như một ánh sáng, một niềm hy vọng chợt le lói trong bầu trời đen thẳm”(7). Một người Việt khi đó đang sống ở Pari đã nhớ lại: Người Pháp coi cuộc đấu tranh đó là một “quả bom” làm chấn động dư luận nước Pháp. Còn người Việt Nam cho đó là tiếng sấm mùa Xuân. Tiếng sấm ấy đã xua tan màn sương mù vây bọc chúng tôi, làm nảy sinh những mầm nằm sâu trong lòng chúng tôi. Người mình ra ngoài kiếm ăn, nói chung yêu nước, mong nước độc lập. Bây giờ ngay tại Thủ đô nước Pháp, trên diễn đàn quốc tế có một người Việt Nam ngang nhiên đứng ra đòi quyền lợi chính đáng cho dân tộc mình, dư luận thế giới xôn xao bàn tán ai mà không kính, không phục. Độ ấy, người mình ở Pháp gặp nhau đều nói độc lập, tự quyết, đều nói đến Nguyễn Ái Quốc. Chính cái tên Nguyễn Ái Quốc, bản thân nó có sức hấp dẫn kỳ lạ”(8).

Tư tưởng về quyền dân tộc (quốc gia) Việt Nam từ bản Yêu sách của nhân dân An Nam đã từng bước được hiện thực hóa trong quá trình cách mạng. Chính vì thế, cả dân tộc trước hết đã đứng lên đấu tranh để nước Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, là một khối thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, không thể chia cắt, mỗi công dân Việt Nam có quyền, nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, như các bản Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước đây và của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay đều đã khẳng định.

2. Quá trình từng bước hiện thực hóa quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam trong tiến trình lịch sử dân tộc

- Lật đổ chính quyền thuộc địa, thành lập chính quyền cách mạng để thực hiện quyền cơ bản của dân tộc Việt Nam

Sau cuộc vận động đấu tranh cho những yêu sách của nhân dân An Nam không thành công, Nguyễn Ái Quốc nhận thức đầy đủ hơn về bản chất của chủ nghĩa thực dân, những lời lẽ hòa bình chỉ là những trò mị dân “bịp bợm” và từ đó xác định con đường để dân tộc Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập. Sau này, Trần Dân Tiên viết: “Được những sự thật ấy rèn luyện, ông Nguyễn hiểu rằng những lời tuyên bố tự do của các nhà chính trị tư bản trong lúc chiến tranh thật ra chỉ là những lời đường mật để lừa bịp các dân tộc. Và muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng của bản thân mình”(9). Do vậy, sau khi bắt gặp con đường cứu nước đúng đắn, năm 1923, Người đã viết Thư gửi các bạn cùng hoạt động ở Pháp: “Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”(10).

Để thực hiện quyền độc lập, tự do của dân tộc, không chỉ đi tập hợp, thức tỉnh các lực lượng trên thế giới có “mẫu số chung”, có “điểm tương đồng” trong báo “Người cùng khổ” (năm 1921), mà Nguyễn Ái Quốc đã tuyên án chủ nghĩa thực dân với cuốn “Bản án chế độ thực dân Pháp” được xuất bản tại Pari năm 1925(11). Đây là lần đầu tiên trong lịch sử các dân tộc thuộc địa có một người đến từ một nước đang bị “chính quốc” Pháp xâm lược và cai trị, dám tuyên án chủ nghĩa thực dân, bóc trần bản chất của cái gọi là “đi khai hóa văn minh” cho các dân tộc lạc hậu. Người đã nhận thức rõ, để có được những quyền cơ bản của dân tộc “không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản” và muốn làm cách mạng thì trước hết cần phải có đảng cách mạng, để “trong thì vận động quần chúng, ngoài thì để liên lạc với các dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp khắp mọi nơi”. Sau một quá trình nỗ lực đầy chủ động, sáng tạo, Nguyễn Ái Quốc đã truyền bá chủ nghĩa Mác- Lênin vào Việt Nam. Khi các tổ chức cộng sản hình thành ở ba kỳ, đầu năm 1930 “Với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản có đầy đủ quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến phong trào cách mạng ở Đông Dương, tôi (Nguyễn Ái Quốc) nói cho họ biết những sai lầm và họ phải làm gì. Họ đồng ý thống nhất vào một đảng. Chúng tôi cùng nhau xác định cương lĩnh và chiến lược theo đường lối của Quốc tế Cộng sản”(12). Cương lĩnh chính trị đầu tiên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, được Hội nghị thông qua là bản tuyên ngôn chính trị chính thức đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền dân tộc. Trong đó, “Đảng phổ biến khẩu hiệu “Việt Nam tự do” và đồng thời Đảng liên kết với những dân tộc bị áp bức và quần chúng vô sản trên thế giới nhất là với quần chúng vô sản Pháp”(13) để thực hiện: “Về phương diện chính trị: a) Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến. b) Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập...”(14).   

Khi tình thế cách mạng của Việt Nam xuất hiện, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tháng 5-1945, Người chủ trì Hội nghị Trung ương 8. Tại Hội nghị, đường lối giải phóng dân tộc được hoàn chỉnh, quyền cơ bản của dân tộc Việt Nam đã được khẳng định: “Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”(15).

Hội nghị còn xác định rõ: “Đó là nhiệm vụ của Đảng ta trong vấn đề dân tộc. Một điều thứ hai nữa là đã nói đến vấn đề dân tộc tức là đã nói  đến sự tự do độc lập của mỗi dân tộc tùy theo ý muốn của mỗi dân tộc. Nói như thế nghĩa là sau  lúc đánh đuổi Pháp - Nhật, ta phải thi hành đúng chính sách “dân tộc tự quyết” cho dân tộc Đông Dương. Các dân tộc sống trên cõi Đông Dương sẽ tùy theo ý muốn, tổ chức thành liên bang cộng hòa dân chủ hay đứng riêng thành một dân tộc quốc gia tùy ý. Một chính phủ cộng hòa mạnh hơn không có quyền bắt các dân tộc nhỏ yếu tuân theo chính sách mình và tham gia chính phủ mình và các dân tộc thiểu số cũng không phải bắt buộc theo các dân tộc đa số và mạnh. Văn hóa của mỗi dân tộc sẽ được tự do phát triển tồn tại, tiếng mẹ đẻ của các dân tộc sẽ được tự do phát triển, tồn tại và được bảo đảm. Sự tự do độc lập của các dân tộc sẽ được thừa nhận và coi trọng. Nếu các dân tộc nhỏ muốn cùng dân tộc lớn thành lập liên bang dân chủ to  lớn, đó không phải là một sự bắt buộc mà là một sự tùy ý muốn của nhân dân trong xứ”(16).

Khi thời cơ cách mạng đến, Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa: “Hỡi đồng bào yêu quý! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đang ganh nhau tiến bước giành quyền độc lập. Chúng ta không thể chậm trễ”(17). Từ đó, có được thành quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thay đổi cả vận mệnh của dân tộc, thay đổi cả thân phận của người dân Việt Nam. Bản Tuyên ngôn Độc lập (2-9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố với thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”(18).

- Khi đã có chính quyền cách mạng, toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập

Tuy nhiên, chỉ ba tuần sau khi giành được độc lập, ngày 23-9-1945, thực dân Pháp dưới sự hỗ trợ của quân Đồng minh Anh đã nổ súng xâm lược Việt Nam tại Nam Bộ. Nhân dân Nam Bộ buộc phải cầm súng để bảo vệ quyền chính đáng của dân tộc Việt Nam. Với khát vọng hòa bình, mong muốn giải quyết các cuộc tranh chấp bằng giải pháp thương lượng, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi đến chấp nhận Hiệp định Sơ bộ (6-3-1946). Trong Hiệp định Sơ bộ, “Nước Pháp công nhận nước Cộng hòa Dân chủ Việt Nam là một nước tự do có ba kỳ..., đứng trong khối Liên hiệp Pháp”(19). Như vậy, Hiệp định này mới chỉ công nhận tính thống nhất (là một quốc gia tự do), nhưng vẫn chưa công nhận nền độc lập của Việt Nam, mà còn bị ràng buộc với nước Pháp. Tuy nhiên, điều khoản này không được thực dân Pháp thực hiện. Chúng lập ra Chính phủ Nam Kỳ tự trị, âm mưu tách Nam Kỳ khỏi Việt Nam. Sau Tạm ước 14-9-1946, thực dân Pháp bội ước, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, nhân dân cả nước phải tiếp tục cầm súng để bảo vệ quyền tự do, độc lập của dân tộc đã được xác lập từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi “Hỡi đồng bào toàn quốc. Chúng ta muốn hòa bình. Chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”(20).

Cả dân tộc Việt Nam đã bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, với quyết tâm thực hiện lời thề trong Tuyên ngôn Độc lập. Cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953 -1954 mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ đã đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương. Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương đã buộc các nước phải công nhận các nước tham dự hội nghị phải cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của ba nước Đông Dương là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước. Hiệp định đã công nhận đầy đủ các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam như: cấm đưa quân đội, nhân viên quân sự và vũ khí nước ngoài vào các nước Đông Dương và nhân dân Việt Nam sẽ tiến tới thống nhất bằng cuộc tổng tuyển cử tự do trong cả nước...

Tuy nhiên, ngay sau Hiệp định Giơnevơ, đế quốc Mỹ đã đặt Việt Nam trong chiến lược toàn cầu phản cách mạng, dựng lên chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền Nam, thực hiện âm mưu chia cắt lâu dài đất nước Việt Nam. Quyền độc lập, tự do, thống nhất của dân tộc Việt Nam một lần nữa bị lực lượng ngoại bang xâm phạm. Sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ trên cả nước chưa được hoàn thành, quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam chưa được công nhận. Vì vậy, nhân dân Việt Nam buộc phải tiến hành một cuộc chiến tranh cách mạng. Đặc biệt, khi đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh Việt Nam với chiến lược chiến tranh cục bộ, đưa quân Mỹ trực tiếp vào miền Nam, đưa hải quân và không quân đánh phá miền Bắc, ngày 17-7-1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”(21). Trong bài thơ chúc Tết năm 1969, Người đã kêu gọi: “Vì độc lập, vì tự do, Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào. Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào, Bắc - Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!”(22). Trong “Thư trả lời Tổng thống Mỹ.. Nixon”, ngày 25-8-1969, Hồ Chí Minh mong muốn với thiện chí của cả hai bên, “có thể đi tới những cố gắng chung để tìm một giải pháp đúng đắn cho vấn đề Việt Nam” trên cơ sở “Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược và.út quân ra khỏi miền Nam Việt Nam, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam và dân tộc Việt Nam, không có sự can thiệp của nước ngoài”(23). Buộc Mỹ phải thực hiện “tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam và dân tộc Việt Nam”, quân và dân cả nước đã quyết tâm “tìm cách đánh Mỹ, tìm cách thắng Mỹ”, sẵn sàng xả thân vì nền độc lập, thống nhất của dân tộc. Hiệp định Pari (1-1973) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam buộc Hoa Kỳ và các nước cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam: “...­tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản (Điều 1), tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam (Điều 9); Hoa Kỳ không tiếp tục dính líu quân sự, không can thiệp công việc nội bộ miền Nam Việt Nam (Điều 4), nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của họ, thông qua tổng tuyển cử tự do, không có sự can thiệp của nước ngoài”(24).

Hiệp định Pari 1973 là một bước tiến mới trong việc giành quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược hoàn thành nhiệm vụ “đánh cho Mỹ cút”, làm so sánh lực lượng trên chiến trường có lợi cho cách mạng Việt Nam. Khi thời cơ đến, tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, hoàn thành sự nghiệp thống nhất Tổ quốc. Thắng lợi mùa Xuân năm 1975 đã đưa đến quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam được thực hiện trọn vẹn.

- Thực hiện quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam trong bối cảnh mới hiện nay

Khi đất nước hòa bình, thống nhất, độc lập, cả nước tiến hành xây dựng CNXH, là thời điểm toàn Đảng, toàn dân thực hiện tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”(25). Trước bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, Đảng xác định vẫn kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động cách mạng. Vận dụng sáng tạo học thuyết cách mạng khoa học và tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn Việt Nam trong điều kiện lịch sử mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH để thực hiện quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, để xây dựng một xã hội XHCN dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đồng thời, đưa cách mạng Việt Nam hòa chung vào dòng chảy của cách mạng thế giới. Do vậy, từ Đại hội VII (1991), Đảng xác định: “Với chính sách đối ngoại mở rộng, chúng ta tuyên bố rằng: Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”(26). Bước sang thế kỷ XXI, Đại hội IX của Đảng (2001) đã xác định: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế. Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển...tiếp tục giữ vững môi trường hòa bình và tạo các điều kiện quốc tế thuận lợi để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm độc lập và chủ quyền quốc gia, đồng thời góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”(27).

Sau hơn 30 năm đổi mới đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam xác định ngày càng rõ quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam trong tổng thể mối quan hệ với cách mạng của thế giới, phù hợp với xu thế phát triển của nhân loại và khát vọng của nhân dân Việt Nam đó là: Bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế,... nhằm “phục vụ mục tiêu giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân; nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”(28).

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận số 12-2019

(1), (2) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,  tr.437, 437.

(3) Đồng chí Vũ Kỳ về sự kiện này theo lời của Bác: “Bản yêu sách 8 điểm gửi Hội nghị Vécxây là do hai cụ Phan (Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường) viết. Hai cụ có hỏi mình có thêm ý kiến gì không? Không phải do mình viết đâu. Lúc đó mình viết sao nổi mặc dầu bản đó ký tên là Nguyễn Ái Quốc, sau đó trở thành tên hoạt động của mình”. Dẫn theo Thu Trang: Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp 1911-1925, Nxb Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 2000, tr.125.

(4) Tám điểm: 1. Ân xá toàn thể chính trị phạm Việt Nam; 2. Cải cách nền tư pháp Đông Dương để cho mọi người Việt Nam cũng được đảm bảo về mặt pháp lý như người Âu, bỏ hẳn tòa án đặc biệt vì đó là công cụ để khủng bố và đàn áp những người Việt Nam lương thiện; 3. Tự do ngôn luận và báo chí; 4. Tự do hội họp và lập hội; 5. Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do ra nước ngoài; 6. Tự do học tập và mở các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp cho người bản xứ; 7. Thay thế chế độ sắc lệnh bằng chế độ luật pháp; 8. Bầu ra đại diện thường trực của người Việt Nam ở bên cạnh Quốc hội Pháp, để trình bày nguyện vọng của người Việt Nam.

(5) Theo Trần Dân Tiên: “Ý kiến đưa ra yêu cầu do ông Nguyễn đề ra nhưng lại do luật sư Phan Văn Trường viết, vì lúc bấy bấy giờ ông Nguyễn chưa viết được tiếng Pháp”. Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1975, tr.29.

(6), (7) Dẫn theo Thu Trang: Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp 1911-1925, Nxb Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh, tr.137-138, 139.

(8) Vũ Anh: Bác Hồ (Hồi ký), Nxb Văn học, Hà Nội, 1960, tr.72.

(9) Trần Dân Tiên: Những mầu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Văn học, Hà Nội, 1970, tr.30.

(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.209.

(11) Viết bằng tiếng Pháp, xuất bản lần đầu tiên tại Pari (Pháp) năm 1925, xuất bản lần đầu ở Việt Nam năm 1946.

(12), (13), (14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.13, 4, 1.

(15), (16), (17), (18) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.113, 114, 418, 437.

(19), (20) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.8, tr.48, 160.

(21), (22), (23), (25) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, tr.131, 531-532, 603, 624.

(24) Bộ Ngoại giao: Ngoại giao Việt Nam (1945-2000), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 264.

(26) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.147.

(27) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.119-120.

(28) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.34-35.

PGS, TS Trần Thị Thu Hương

TS Nguyễn Thị Mai Chi

Viện Lịch sử Đảng,

 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh


(Theo Tạp chí Lý luận chính trị)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên Kết Website
Lượt người truy cập
  • Đang truy cập79
  • Máy chủ tìm kiếm35
  • Khách viếng thăm44
  • Hôm nay10,869
  • Tháng hiện tại250,111
  • Tổng lượt truy cập9,934,436
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây