Giá trị văn hóa - Sức mạnh nội sinh, Sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam

Thứ ba - 23/11/2021 04:05
Hơn lúc nào hết, chúng ta cần xây dựng và phát triển một chiến lược về văn hoá nhằm khơi dậy khát vọng xây dựng Đất nước Việt Nam phát triển phồn vinh và hùng cường.

Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Chúng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta...”. Trong bối cảnh, Việt Nam đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước hướng tới mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội, đòi hỏi phải có một hệ giá trị tương ứng, đó là một chiến lược tổng thể về phát triển chính trị - kinh tế - văn hoá. Do đó, hơn lúc nào hết, chúng ta cần xây dựng và phát triển một chiến lược về văn hoá nhằm khơi dậy khát vọng xây dựng Đất nước Việt Nam phát triển phồn vinh và hùng cường.

Ảnh minh họa. Ảnh minh họa.

Tổng lực của văn hóa khi đã được phát huy hiệu quả sẽ là sức mạnh vô biên đối với dân tộc

Ngược dòng lịch sử ngày 24/11/1946, tại Hà Nội, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được triệu tập, trong bài phát biểu khai mạc hội nghị Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, văn hóa phải gắn bó, liên hệ mật thiết với chính trị; văn hóa phải tham gia vào sửa đổi những thói lười biếng, tham nhũng; phải làm thế nào để mỗi người dân được hiểu về nghĩa vụ và quyền lợi mà họ được hưởng; hay nói cách khác là "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi". Từ đó đến nay, thực hiện tư tưởng lớn của “Người ” luôn được Đảng, Nhà nước và Ngành Văn hóa xác định đây chính là kim chỉ nam xuyên suốt mọi hoạt động của ngành văn hóa văn nghệ. Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng vai trò của văn hoá đã được khẳng định trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây gần 8 thập kỷ vẫn còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay, đó là "văn hoá soi đường cho quốc dân đi".

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nói: "Dựa trên đường lối của Đảng ta và đặc biệt là tinh thần chủ nghĩa mác Lê Nin về vấn đề văn hóa, tư tưởng của Hồ Chí Minh được Đảng ta xác định là kim chỉ nam cho hành động. Theo chúng tôi, khi chúng ta đã có một nhận thức đúng thì sẽ có một hành động đẹp. Đó là từ nhận thức hệ thống có tính chất hệ thống về các quan điểm, đường lối của Đảng nhìn lại thực tiễn qua 35 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới của Đảng ta, dưới góc độ văn hóa yêu cầu đặt ra là phải xác định phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới và trên 1 trục xuyên suốt đó là phải phát triển văn hóa và con người Việt Nam trọng tâm chính là chúng ta phải khơi dậy được khát vọng xây dựng đất nước của chúng ta hùng cường".

Trên bình diện ở cả trong nước và quốc tế, văn hóa luôn được xem là có vị trí quan trọng, giữ vai trò chủ đạo trong sự phát triển chung của Đất nước. Sở dĩ văn hóa có được vị trí đặc biệt quan trọng như vậy vì văn hóa là tài sản tinh thần quý giá nhất của dân tộc. Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) năm 1998 đã nhấn mạnh: “Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình. Văn hóa Việt Nam đã hun đúc lên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc”.

Theo PGS.TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa 13, giá trị văn hóa Việt Nam là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống... Đây là những tài sản hết sức quý báu, trở thành nền tảng, hành trang để dân tộc ta tiến bước vào giai đoạn phát triển mới của đất nước, đó là lý do tại sao chúng ta luôn coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội.

PGS.TS Bùi Thị An nói: "Theo tôi giá trị về mặt tinh thần quan trọng vô cùng, thậm chí trong những trường hợp có giá trị rất lớn hơn cả những giá trị vật chất. Tất nhiên là vật chất cũng nằm trong văn hóa, thế nhưng phải nói thẳng rằng tổng lực của văn hóa khi đã được phát huy hiệu quả sẽ là sức mạnh vô biên đối với dân tộc".

Phải có những đổi mới đột phá về mặt tư duy

Năm 2021 là năm đánh dấu hơn 35 năm công cuộc đổi mới của Đất nước, cùng với thành công của Đại hội Đảng lần thứ XIII, cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Việt Nam nhận được sự quan tâm của đông đảo giới văn nghệ sỹ và đồng bào cả nước, đặc biệt là khi Nghị quyết của Đảng nhấn mạnh một trong những đột phát chiến lược giai đoạn 2021 – 2030 là "Phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam; khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển của dân tộc, tinh thần yêu nước, tự hào, ý chí tự cường và lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Hội nghị văn hóa lần thứ 1 được tổ chức cách đây 75 năm (24/11/1946 ) dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và tới đây chúng ta sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc, thông tin này được giới văn nghệ sỹ đón nhận nhiệt tình, bày tỏ phấn khởi và rất phấn chấn, đến nay chúng ta đã tổ chức được triển lãm và sắp tới chuẩn bị hội diễn văn nghệ chào mừng hội nghị chào mừng hội nghị sẽ chính thức diễn ra vào ngày 24/11 tới".

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nhấn mạnh vấn đề phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Thực tế công cuộc đổi mới của Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, góp phần nâng cao vị thế của dân tộc.

Giáo sư Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, một trong những điểm nhấn quan trọng tại Đại hội 13 là Đảng ta xác định “phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”. Chính vì vậy để xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, hơn lúc nào hết đây chính là thời điểm chúng ta cần hành động một cách quyết liệt để nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa trong đổi mới và phát triển bền vững, đặc biệt là phải có những đổi mới đột phá về mặt tư duy.

Giáo sư Đặng Văn Bài nói: "Đảng và Nhà nước xác định nền kinh tế phát triển theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tức là tất cả hoạt động xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng, đây là định hướng đúng đã cải cách là có đổi mới. Đơn cử như cuộc đổi mới của chúng ta năm 1986 đã giúp các ngành điện ảnh, hội họa kể cả văn học nghệ thuật thay da đổi thịt, đã mở không gian rộng lớn để hội nhập vào WTO, các tổ chức quốc tế để chúng ta giao lưu văn hóa rất tốt. Tôi nghĩ hội nghị văn hóa toàn quốc lần này với sự quan tâm tham dự và sẽ có những chỉ đạo quan trọng tại hội nghị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi tin chúng ta sẽ có những đổi mới đột phá hơn về mặt tư duy bởi tư duy phải đi trước một bước thì thực tiễn mới có hiệu quả xã hội lớn".

Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa còn thể hiện ở chỗ lần đầu tiên khái niệm "sức mạnh mềm" được nêu ra trong các văn kiện của Đảng tại Đại hội XIII. GS.TS Trần Văn Bính, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, sức mạnh mềm” thực chất là bản sắc văn hóa, bản lĩnh văn hóa để chúng ta không chỉ xây dựng văn hóa, con người Việt Nam mà còn đi ra thế giới.

"Vấn đề “Sức mạnh mềm” ngay trong nhận thức tư tưởng từ lâu bác Hồ đã nói vấn đề này, ví dụ khi bác nói Văn hóa soi đường cho quốc dân đi soi đường ở đây chính là sức mạnh mềm, hay là khi Bác nói rằng là kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến có nghĩa là cả văn hóa và kháng chiến xâm nhập hòa quyện vào nhau, văn hóa thúc đẩy kháng chiến thành công, như vậy cho nên sức mạnh mềm phải có từ lâu", GS.TS Trần Văn Bính nói.

Ngày nay những quan điểm của Đảng về văn hoá tiếp tục kế thừa, bổ sung trong các văn kiện, Nghị quyết mang tính định hướng để văn hóa thực sự vừa là nền tảng tinh thần, vừa là động lực phát triển bền vững đất nước. Qua hàng nghìn năm lịch sử, lòng yêu nước, yêu hoà bình, đoàn kết, nhân ái, ý chí tự cường và khát vọng cống hiến, nền tảng tinh thần tốt đẹp ấy đã trở thành sức mạnh dân tộc, đưa đất nước vượt qua bao gian nan thử thách. Và nay, những giá trị tinh thần ấy đang được tiếp nối, phát huy trong thời đại mới, vì một Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc./.


Nguyễn Hằng-Văn Hiếu-Lại Hoa/VOV1

Nguồn tin: VOV.VN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Liên Kết Website
Lượt người truy cập
  • Đang truy cập55
  • Máy chủ tìm kiếm15
  • Khách viếng thăm40
  • Hôm nay11,225
  • Tháng hiện tại280,205
  • Tổng lượt truy cập10,376,787
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây