Trong bộn bề công việc, Bác Hồ vẫn luôn tình cảm đặc biệt sâu nặng cho quê hương và con người Hà Tĩnh. Bác theo dõi từng bước trưởng thành, vui mừng trước những thành quả cách mạng mà Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đạt được. Ở nhiều bức thư, điện, bài báo hay những lần trực tiếp nói chuyện, Bác đã biểu dương, khen ngợi Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh cũng như nhiều tập thể khác trong tỉnh đã có thành tích xuất sắc. Bác cũng kịp thời nêu những tấm gương người tốt, việc tốt ở Hà Tĩnh.
Bác Hồ nói chuyện tại Hội nghị cán bộ tỉnh Hà Tĩnh nhân dịp Người về thăm Hà Tĩnh
Tháng 8-1948, sau khi nhận được báo cáo Hà Tĩnh có mấy làng thanh toán nạn mù chữ, Bác đã thay mặt Chính phủ gửi thư khen ngợi và cảm ơn ông Trưởng ty Bình dân học vụ Hà Tĩnh vì "kết quả ấy là do ông khéo tổ chức và lãnh đạo”. Đến tháng 7-1952, trên Báo Nhân dân, Bác đã nêu tấm gương chiến sỹ diệt giặc dốt Trần Nghệ. Từ một người mù chữ, nhà nghèo phải đi làm thuê nhưng vẫn quyết tâm đi học chữ. Kết quả, đồng chí không những thoát nạn mù chữ mà còn "xung phong dạy bình dân học vụ” giúp cho nhiều người biết chữ. Bác khen: "Đồng chí Nghệ chịu khó, không mắc bệnh hình thức. Không có trường thì đồng chí tổ chức những lớp học gia đình, dạy lớp này xong thì dạy lớp khác. Vì vậy, cuối năm 1948, hơn 120 người trong xóm đều biết đọc, biết viết. Công việc diệt giặc dốt từ đó phát triển mãi". Ngoài ra, "đồng chí Nghệ lại làm tổ trưởng nông dân cứu quốc xóm, khéo liên hệ học với hành... Dạy học cũng như công việc khác, đồng chí Nghệ biết dùng cách thật thà tự phê bình và phê bình nên mọi người đều tiến bộ, mọi việc đều tiến bộ. Tinh thần trách nhiệm và ý chí vượt khó khăn giúp đồng chí Nghệ thành một cán bộ gương mẫu. Thật là: Hễ mà cố gắng ra tay. Có công mài sắt có ngày nên kim".
Trên mặt trận lao động sản xuất, Bác nêu gương nhiều cán bộ, đảng viên đã tích cực tuyên truyền, vận động quần chúng, đồng thời gương mẫu đi đầu, đồng cam cộng khổ với quần chúng, thiết thực giúp đỡ quần chúng, hy sinh bản thân mình vì nhân dân. Trên Báo Nhân dân số ra ngày 02-12-1954, Bác đã viết bài "Một chiến sỹ gương mẫu" để nêu gương đồng chí Thân, một cán bộ phát động quần chúng giảm tô ở Hà Tĩnh, đã "tổ chức và lãnh đạo nhân dân hăng hái đấu tranh, làm tròn nhiệm vụ Đảng và Chính phủ giao cho". Đồng chí Thân đã làm những công việc vì dân như: "đi mượn bò về cày cho một bà mẹ cố nông, hôm sau đi làm cỏ với bần nông khác", đồng chí cũng đã "không quản mưa gió, đi lấy nứa đan phên sửa nhà cho một phụ nữ cố nông, làm cho đồng bào cảm động, mọi người đem nửa tre, ủng hộ thêm chị ấy", "một số đồng bào thiếu thóc giống, thiếu giống khoai, thiếu gạo ăn để sản xuất, đồng chí Thân khéo vận động bà con giúp đỡ lẫn nhau và giải quyết được những khó khăn ấy"... "Đó là một tấm gương mà tất cả cán bộ ta (bất kỳ công tác ở thành thị hay ở nông thôn) cần phải noi theo". Ngày 15-6-1957, trong bộn bề công việc của thời kỳ sửa sai cải cách ruộng đất và khôi phục phát triển kinh tế, văn hóa, Bác đã về thăm Hà Tĩnh. Đây là một vinh dự đặc biệt cho Hà Tĩnh. Trong cuộc nói chuyện với đại biểu cán bộ, đảng viên tỉnh Hà Tĩnh, sau khi nêu những ưu điểm của tập thể cán bộ, đảng viên tỉnh nhà, Bác đã nêu gương một số cá nhân mà mọi người "nên học và bắt chước" để "làm cho dân mến, dân phục, dân tin". Đó là tấm gương đồng chí Bí thư chi bộ Kỳ Hải "trong lúc trời mưa rét nhưng vì đê đập nguy ngập, không sợ rét mướt, cả ngày lấy mình chắn nước cho nhân dân đắp đê". Bác kết luận "đó là một đức tính tốt, biết hy sinh mình cho nhân dân". Người thứ hai là nữ đồng chí Thiện, "dù nghèo, có bệnh vẫn cố gắng xây dựng tổ đổi công trong những ngày khó khăn (vùng đồng bào công giáo), chịu khó đi trước, làm trước. Đó là gương tốt. Chẳng những trong nữ giới mà nam giới cũng phải noi theo".
Bác Hồ và đồng chí Nguyễn Chí Thanh trong dịp về thăm Hà Tĩnh
Đặc biệt hơn, Bác Hồ chú ý nêu những tấm gương con em Hà Tĩnh trực tiếp chiến đấu, dũng cảm hy sinh vì nhân dân, vì Tổ quốc ngoài mặt trận. Đó là anh hùng Phan Đình Giót - người đã "giắt đá sỏi vào người cho đủ cân để được tuyển" vào bộ đội. Trong bài "Nhớ người chiến sỹ anh hùng” đăng trên Báo Nhân dân ngày 20-10-1954, Bác kể chuyện anh Phan Đình Giót đã anh dũng lấy thân mình lấp lỗ châu mai để cho bộ đội ta theo "lá cờ quyết thắng" ào ạt tiến lên tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Him Lam (13-3-1954), mở đầu cuộc đại thắng trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Hay người đoàn viên thanh niên xung phong "kiểu mẫu", Trịnh Văn Huyền với những đức tính được Bác Hồ viết báo khen ngợi: "siêng năng", "nhiều sáng kiến", "gan dạ", "tinh thần đoàn kết". Bác viết: "Đồng chí Huyền thật xứng đáng với danh hiệu là thanh niên xung phong làm kiểu mẫu cho tất cả thanh niên chúng ta". Cảm phục trước sự hy sinh cao cả của người thanh niên Lý Tự Trọng, một người con anh hùng của quê hương Hà Tĩnh, nhân ngày thành lập Đoàn 26-3 1964, trên Báo Nhân dân Bác viết bài "Thanh niên anh hùng Lý Tự Trọng". Bác nhấn mạnh: "Bị bọn Pháp tra tấn cực kỳ dã man, đồng chí Trọng chết đi sống lại nhưng không khai một lời mà chỉ hô những khẩu hiệu cách mạng". Chính khí phách của anh đã khiến kẻ thù "không khỏi kính trọng dân tộc Việt Nam vì đã có những người con oanh liệt như Trọng" và họ cảm thấy "xấu hổ" vì "người Pháp tự xưng là văn minh mà đã tra tấn dã man một thanh niên như Trọng". Cuối bài báo Bác viết: "Đồng chí Lý Tự Trọng đã nêu gương chân chính cách mạng cho chúng ta noi theo"…
Việc quan tâm, biểu dương gương những người tốt, việc tốt ở Hà Tĩnh thể hiện phong cách của vị lãnh tụ suốt đời gắn bó, gần gũi với quần chúng nhân dân. Đó cũng chính là sự cổ vũ, động viên và khích lệ quý giá của Bác Hồ để mỗi một cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân Hà Tĩnh dù ở cương vị nào cũng phải ra sức học tập, rèn luyện với quyết tâm đem hết trí tuệ, sức lực của mình phụng sự sự nghiệp cách mạng và xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh giàu mạnh trong thời kỳ mới.
(*) Tư liệu được trích dẫn từ: Ban Chấp hành Đảng bộ Hà Tĩnh – Ban Tuyên giáo: Bác Hồ với Hà Tĩnh, NXB CTQGST, Hà Nội-2017.