TỰ HÀO 75 NĂM TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TRẦN PHÚ
Thứ ba - 24/03/2020 04:04
ThS. Đinh Quốc Thị
TUV - Hiệu trưởng
Cách đây 75 năm, sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, Tỉnh ủy lâm thời Hà Tĩnh đã quyết định mở lớp huấn luyện cán bộ đầu tiên vào ngày 20 -10 -1945 tại trường Pháp - Việt thị xã Hà Tĩnh. Đến ngày 12 - 12 - 1945, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh chủ trương tiếp tục mở các lớp huấn luyện chính trị cho cán bộ, đảng viên, lấy tên là lớp “Chính trị Trần Phú”. Từ đó, Trường Chính trị Trần Phú ra đời và trải qua một chặng đường đầy khó khăn, gian khổ nhưng rất đỗi tự hào, góp phần quan trọng cùng Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh nói riêng, cả nước nói chung thực hiện thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lược và xây dựng đất nước trong thời kỳ đổi mới. Nhìn lại chặng đường 75 năm, bao kỷ niệm buồn vui hiện về trong ký ức, quên sao được những tháng năm gian khổ, hoàn cảnh chiến tranh trường phải sơ tán nhiều lần!... Gian khổ là vậy! mà vẫn lạc quan, yêu đời, yêu lẽ sống. Bom đạn của kẻ thù không thể nào lay chuyển nổi ý chí và niềm tin vào Đảng và Bác Hồ kính yêu! Hành khúc ngày và đêm vẫn vang lên trong từng lán học. Trang giáo án và tình yêu nghề nghiệp của các thầy cô vẫn không ngừng thắp sáng niềm tin cho lớp lớp học viên. Sau giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáp nhập, trường mang tên Trường Đảng Trần Phú Nghệ Tĩnh. Trải qua 15 năm với “bao cay đắng ngọt bùi khi đào mương đắp đập,… bát cơm chưa đầy đặn bao nhiêu lần phải sẽ san, nắng đốt và mưa chan dựng nên làng nên phố” Trường đã không ngừng phấn đấu vươn lên, sát cánh kề vai cùng Đảng bộ và Nhân dân Nghệ - Tĩnh cũng như đồng bào và chiến sỹ cả nước tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo Quốc phòng - An ninh, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biên giới ở hai đầu đất nước và làm tròn nhiệm vụ quốc tế cao cả đối với hai nước bạn Lào và Cămpuchia.
Từ năm 1991, theo yêu cầu phát triển, tỉnh Hà Tĩnh tái lập với bao nhiêu khó khăn bộn bề của một tỉnh mới chia tách trong thời kỳ đầu đổi mới và tình hình quốc tế đầy biến động. Phong trào cộng sản và công nhân quốc tế thoái trào, chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên xô và Đông âu bị sụp đổ, các thế lực thù địch trong và ngoài nước đã điên cuồng chống phá cách mạng Việt Nam, đòi phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và những thành quả cách mạng mà chúng ta đã phải đổi bằng máu xương và nước mắt. Hơn lúc nào hết, đội ngũ những người làm công tác huấn luyện chính trị lại tiếp tục bước vào cuộc chiến đấu mới, tập trung nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin cho cán bộ, đảng viên vào chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH; tin tưởng tuyệt đối vào con đường đổi mới của Đảng vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; quán triệt thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương. Những lớp học lại được mở ra ngày càng nhiều, tiếp tục tỏa sáng tin yêu trong mỗi trái tim, nhất là sau khi có quyết định số 95-QĐ/TU ngày 18 -11 -1995 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thành lập Trường Chính trị tỉnh Hà Tĩnh - Trường Chính Trị Trần Phú hiện nay.
75 năm, đồng hành cùng Đảng bộ và Nhân dân, với bao khó khăn thử thách, nhưng cho dù ở đâu và giai đoạn cách mạng nào, Trường Chính trị Trần Phú vẫn giữ một vị trí quan trọng đặc biệt, luôn tỏa sáng niềm tin và ngời lên sắc đỏ. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Trường Chính trị Trần Phú luôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý. Tính từ năm 1991, Trường đã đào tạo, bồi dưỡng một số lượng lớn cán bộ cho tỉnh góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh nhà, nhất là đội ngũ cán bộ công chức cơ sở, cụ thể:
Về đào tạo Trung cấp lý luận Chính trị - Hành chính: 164 lớp với 12.400 học viên, trong đó 140 lớp đã tốt nghiệp với 10.243 học viên.
Về liên kết đào tạo: 14 khóa đào tạo Cao cấp lý luận Chính trị và Cao cấp lý luận Chính trị - Hành chính(hệ tại chức) cho 1460 học viên; 01 khoá đào tạo đại học Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước cho 76 học viên; 2 khóa Trung cấp nghiệp vụ Công an cho cán bộ công an xã với 379 học viên; 01 lớp đào tạo Đại học Hành chính cho 81 học viên.
Bồi dưỡng KTQLNN ngạch chuyên viên cho 90 lớp với 6943học viên; Bồi dưỡng KTQLNN ngạch chuyên viên chính: Mở 17 lớp với 1060 học viên. Các lớp bồi dưỡng khác: 300 lớp với 28.887 lượt học viên.
Những thành tựu về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ mà Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh nói chung, Trường Chính trị Trần Phú nói riêng đạt được trong 75 năm qua, trước hết nhờ nhà trường đã thường xuyên coi trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, giảng viên vững vàng về chuyên môn, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, tận tụy với nhiệm vụ, luôn luôn trung thành tuyệt đối với chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; chủ động tham mưu tích cực, hiệu quả cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên; nhà trường đã vận dụng sáng tạo chương trình, nội dung đào tạo của Trung ương vào thực tiễn của Hà Tĩnh; gắn lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành, nhà trường gắn liền với xã hội; hướng mục tiêu giáo dục đào tạo của trường vào phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị của địa phương, đáp ứng yêu cầu của cách mạng qua các thời kỳ.
Trải qua 75 năm phấn đấu, rèn luyện, Trường Chính trị Trần Phú không ngừng lớn mạnh về mọi mặt. đến nay có 05 phòng, khoa. Tổng số cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên có 47 người, trong đó 02 tiến sỹ; 31 thạc sĩ (01 đang nghiên cứu sinh); 24 người có trình độ cử nhân, cao cấp lý luận chính trị và tương đương, 12 đ/c có trình độ trung cấp lý luận chính trị. Cơ sở vật chất ngày càng khang trang hiện đại.
Kế thừa, phát huy truyền thống vẻ vang và những bài học kinh nghiệm quý báu trong 75 năm qua, thời gian tới, đội ngũ cán bộ, giảng viên Trường Chính trị Trần Phú phải tích cực phấn đấugiành nhiều thành tích to lớn hơn nữa, xứng đáng với niềm tin yêu và sự quan tâm đặc biệt của các cấp ủy Đảng, Chính quyền và mọi tầng lớp Nhân dân trong tỉnh. Nhà trường phải xác định đúng mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng trong thời kỳ mới. Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng. Đổi mới về quản lý, nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, gắn lý luận với thực tiễn, tăng cường hướng dẫn, rèn luyện kỹ năng. Xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên vững mạnh; phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành và Trung tâm Chính trị cấp huyện trong công tác đào tạo, bồi dưỡng từ tuyển sinh đến đánh giá kết quả. Đồng thời, thực hiện tốt công tác tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh để có chính sách khuyến khích nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, hỗ trợ cho cán bộ được cử đi học, nhất là đối với cán bộ cơ sở; tăng cường đầu tư kinh phí cho sự nghiệp đào tạo và cơ sở vật chất phục vụ dạy - học theo hướng hiện đại.