Vận dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh vào xây dựng đội ngũ nhà giáo trong sự nghiệp giáo dục hiện nay

Thứ sáu - 19/11/2021 03:12
Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nói “không có thầy giáo thì không có giáo dục” và trong bài nói chuyện tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội (10-1964), Người đã căn dặn: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất.
“Vì lợi ích mười năm trồng cây
  Vì lợi ích trăm năm trồng người”

Đây là lời phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Lớp học chính trị của giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc vào ngày 13-9-1958. Để có sự nghiệp “trồng người” đơm hoa kết quả không thể không nói đến công lao trời biển của người thầy, những con người thầm lặng ươm những mầm xanh tương lai của đất nước. Vì vậy, nghề dạy học được xem là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý” (Phạm Văn Đồng). Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nói “không có thầy giáo thì không có giáo dục”[1] trong bài nói chuyện tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội (10-1964), Người đã căn dặn: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang. “Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được? Vì vậy, nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang”[2]. Cho nên chúng ta phải trân quý nghề dạy học, trân quý những người thầy và nếu như: “Ai có ý kiến không đúng về người thầy giáo thì phải sửa chữa”[3].
unnamed

Cũng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nghề giáo là một nghề vinh quang nhưng cũng có trọng trách vô cùng nặng nề, vì đó là nghề đào tạo ra những chủ nhân tương lai của nước nhà: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”[4]. Và thành quả của công học tập đó có được là nhờ phần lớn dựa vào sự dìu dắt, dạy dỗ của những người thầy, bởi lẽ theo Người “Óc những người tuổi trẻ trong sạch như một tấm lụa trắng, nhuộm xanh thì nó sẽ xanh, nhuộm đỏ thì nó sẽ đỏ, vì vậy sự học tập ở nhà trường có ảnh hưởng rất lớn cho tương lai của thanh niên và tương lai của thanh niên là tương lai của nước nhà”[5]. Người nhắc nhở thêm rằng: “Các thầy, cô giáo phải trở thành tấm gương sáng, thành kiểu mẫu cho các em noi theo, phải là kiểu mẫu về mọi mặt, tư tưởng, đạo đức, lề lối làm việc”[6].
Có thể thấy, người thầy luôn là hình tượng của học sinh, cho nên một người thầy tốt sẽ là tấm gương sáng cho cả một thế hệ noi theo, ngược lại một người thầy chưa tốt có thể làm cho cả một lớp người bị tổn thương, bị mất niềm tin. Bởi vậy, theo Hồ chủ tịch người thầy cần phải tu dưỡng để trở thành những tấm gương sáng trong giáo dục học sinh, vì “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền”, Người nói: “Giáo dục được người thầy giáo, được cả một thế hệ”. Để làm được điều đó, Người đặt ra yêu cầu đối với người thầy là phải không ngường tu dưỡng và phấn đấu cả tài lẫn đức.
Đối với người thầy, “tài” chính là sự am hiểu, vốn tri thức, kinh nghiệm thực tiễn, được thể hiện ở chỗ linh hoạt, mềm dẻo, sáng tạo trong chuẩn bị bài giảng và phương pháp giảng dạy, “việc cốt yếu là phải làm cho học sinh thấu hiểu vấn đề”. Để làm được điều đó, Người mong muốn “giáo viên cũng phải tiến bộ cho kịp thời đại thì mới làm được nhiệm vụ. Chớ tự túc, tự mãn, cho là giỏi rồi thì dừng lại. Mà dừng lại là lùi bước, là lạc hậu, mình tự đào thải trước. Cho nên phải cố gắng học tập để cải tạo mình, cải tạo tư tưởng của mình, cải tạo con em và giúp vào việc cải tạo xã hội”[7]. Trong Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn ngành Giáo dục ngày 21-2-1956, Người căn dặn: “Các cô, các chú là những thầy giáo, những cán bộ giáo dục đều phải luôn luôn cố gắng học thêm, học chính trị, học chuyên môn. Nếu không tiến bộ mãi thì sẽ không theo kịp đà tiến chung, sẽ trở thành lạc hậu”[8].
vu gdtrh 68 19112017

Còn “đức” là tư cách, tình yêu thương, trách nhiệm của người thầy đối với nghề, với học trò của mình. Người căn dặn: “Thầy cũng như trò, cán bộ cũng như nhân viên phải thật thà yêu nghề của mình”. Do đó, người giáo viên cần phải hết lòng phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân; thương yêu học trò và yêu nghề; yêu lao động; có tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ… đồng thời người giáo viên phải thường xuyên coi trọng học tập chính trị để củng cố đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao hiểu biết chính trị để hoàn thành tốt trọng trách “trồng người” và không nên “đứng núi này trông núi nọ, muốn thay đổi công tác, kèn cựa vì địa vị”[9].
Theo Hồ Chí Minh, đức và tài là một thể thống nhất, không thể tách rời, trong mối quan hệ tương hỗ đó thì “đức phải có trước tài”, đức là “nền tảng”, là “cái gốc” của người giáo viên. Bác nhắc nhở: “Có chuyên môn mà không có chính trị giỏi thì dù học giỏi mấy dạy trẻ con cũng hỏng. Chính trị là linh hồn, chuyên môn là cái xác. Có chuyên môn mà không có chính trị thì chỉ còn cái xác không hồn. Phải có chính trị trước rồi có chuyên môn, nếu thầy giáo, cô giáo bàng quan thì lại đúc ra một số công dân không tốt, cán bộ không tốt. Nói tóm lại, chính trị là đức, chuyên môn là tài. Có tài mà không có đức là hỏng. Có đức mà chỉ i, tờ thì dạy thế nào? Đức phải có trước tài”[10]
Như vậy, qua tư tưởng của Hồ Chí Minh về người thầy, đồng thời qua chính tấm gương bản thân Người cũng đã từng là một nhà giáo, càng làm cho chúng ta thấy rõ hơn vị trí, vai trò và nhiệm vụ của người thầy trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam. Thấm nhuần những tư tưởng đó, Đảng ta luôn vận dụng những tư tưởng ấy vào phát triển sự nghiệp giáo dục của nước nhà nói chung và chăm lo cho đội ngũ giáo viên nói riêng. Đảng ta luôn khẳng định “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân”[11]. Tại Hội nghị Trung ương 2 khoá VIII của Đảng cộng sản Việt Nam, Đảng ta đã chỉ rõ: Giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng của giáo dục và được xã hội tôn vinh và tại Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” được Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) thông qua đã đề ra nhiệm vụ về phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo, đó là: “Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục gắn với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và hội nhập quốc tế. Thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo”, “phát triển hệ thống trường sư phạm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục”, “có cơ chế tuyển sinh và cử tuyển riêng để tuyển chọn được những người có phẩm chất, năng lực phù hợp vào ngành sư phạm”, “đổi mới mạnh mẽ mục tiêu, nội dung, phương pháp đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng và đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của nhà giáo theo yêu cầu nâng cao chất lượng, trách nhiệm, đạo đức và năng lực nghề nghiệp”. Đồng thời, Đảng ta cũng không quên quan tâm tới đời sống của người giáo viên, thông qua việc “có chế độ ưu đãi đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục”, “lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc” song “ việc tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phải trên cơ sở đánh giá năng lực, đạo đức nghề nghiệp và hiệu quả công tác”, đặc biệt “có cơ chế miễn nhiệm, bố trí công việc khác hoặc kiên quyết đưa ra khỏi ngành đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ”. Bên cạnh đó, “khuyến khích đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Có chính sách hỗ trợ giảng viên trẻ về chỗ ở, học tập và nghiên cứu khoa học. Bảo đảm bình đẳng giữa nhà giáo trường công lập và nhà giáo trường ngoài công lập về tôn vinh và cơ hội đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ... Tạo điều kiện để chuyên gia quốc tế và người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giảng dạy và nghiên cứu ở các cơ sở giáo dục, đào tạo trong nước”.
Đến Đại hội XII của Đảng đã đề ra chủ trương “phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới”, để tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, ngày 8-1-2019 Thủ tướng chính phủ ra Quyết định số 33/QĐ-TTg, về “Phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non giai đoạn 2018 - 2025”, Dự án “Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông” vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2016 và Quyết định số 89/QĐ-TTg, ngày 18-1-2019, của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2030”.

z2947560926068 0f766c67a12e6376395c31b927dee655

Thường trực Tỉnh uỷ, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh tặng hoa Trường Chính trị Trần Phú nhân dịp Kỷ niệm 39 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam
Đất nước ta đang trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa tiến tới toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, bắt kịp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ VI với triển vọng phát triển đất nước Việt Nam ta: “Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”
[12] càng đòi hỏi chúng ta phải phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo hơn bao giờ hết và xác định “đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển”. Vì vậy, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định phải: “Nâng cao, tạo sức chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục và đào tạo”[13] và đưa ra
giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt có tính quyết định để thực hiện mục tiêu phát triển giáo dục. Đại hội nhấn mạnh: “Chú trọng đào tạo, đào tạo lại đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo”[14]; “Đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt. Sắp xếp, đổi mới căn bản hệ thống các cơ sở đào tạo sư phạm, thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách và giải pháp để cải thiện mức sống, nâng cao trình độ và chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục”[15].

Ngày nay khi đất nước đang trên đường hội nhập quốc tế, nền kinh tế tri thức ngày càng phát triển thì vai trò của người thầy càng rất quan trọng và cùng với đó là yêu cầu đặt ra cho người thầy cũng ngày càng cao hơn về mọi mặt, vì vậy những tư tưởng của Hồ Chí Minh về “người thầy” càng có ý nghĩa và giá trị lịch sử, xuyên suốt chặng đường cách mạng mà Đảng và Nhà nước ta đã, đang và sẽ tiếp tục đi.
 
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10,Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr. 345.
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.402.
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.403.
[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.35.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập.5, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.120
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập.9, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr. 262
[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr. 266
[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.273-274
[9] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr. 499
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12. Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tr. 269
[11] Nghị Quyết 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế
[12] Nghị quyết ĐH ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng cộng sản Việt Nam
[13] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.1, tr.204
[14] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 232
[15] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I,tr 138 - 139

Tác giả: Th.S Bùi Thị Nhung - Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên Kết Website
Lượt người truy cập
  • Đang truy cập69
  • Máy chủ tìm kiếm16
  • Khách viếng thăm53
  • Hôm nay12,217
  • Tháng hiện tại288,694
  • Tổng lượt truy cập6,446,464
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây