"Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước"

Thứ sáu - 08/04/2022 05:19
Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 10/3 âm lịch mỗi năm là dịp để mỗi người dân Việt Nam bày tỏ lòng thành kính hướng về linh thiêng nguồn cội, tưởng nhớ công lao của các vị vua Hùng đã có công dựng nước.
Đây là ngày lễ đặc biệt, là biểu tượng cho truyền thống muôn đời của các thế hệ Việt Nam thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Thời đại Hùng Vương tạo nên những chuyển biến sâu sắc, toàn diện về các lĩnh vực của đời sống từ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội góp phần sự hình thành nên nhà nước đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Thời kỳ đánh dấu sự ra đời và phát triển của một nền văn minh cổ đại của người Việt cổ.
 
hv 16472525130111228568925 100 0 600 800 crop 16472525882921899639814

Ngày 10/3 âm lịch hằng năm cũng là dấu mốc về tinh thần đoàn kết và sức gắn bó của cộng đồng tạo nền tảng sức mạnh gắn kết nội sinh của dân tộc để vững bền trước những biến cố của thời gian, lịch sử duy trì sự tồn tại, phát triển của dân tộc và quốc gia. Từ rất xa xưa, Đền Hùng được xem là trung tâm của Kinh đô Văn Lang; là vùng đất hội tụ, giao lưu văn hóa, nơi lưu giữ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, là sự kết hợp giữa đạo lý uống nước nhớ nguồn và nhu cầu về điểm tựa tinh thần của 54 dân tộc trong cộng đồng Việt Nam. Vì lẽ đó, Lễ Giỗ Tổ cũng có nghĩa là chúng ta xem Quốc gia - dân tộc như một “gia đình lớn”, lấy cái ứng xử từ gia đình, gia tộc chuyển hóa thành lối ứng xử của xã hội, giúp thống nhất một hệ ý thức Việt Nam. “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2012. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được bảo tồn và phát huy dựa trên những cam kết thuộc Chương trình hành động quốc gia. Những lễ hội truyền thống như: Lễ hội Đền Hùng, lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ...đã được tổ chức hằng năm nhằm tái hiện những sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc, tiêu biểu của các vùng, miền trong cả nước, kết hợp được nội dung giáo dục truyền thống với sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Vào dịp Lễ hội Đền Hùng hàng năm luôn thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách thập phương khi về hành lễ. Và tận sâu trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam đều trân trọng hướng về Vua Hùng, về ý thức một quốc gia thống nhất chứ không chỉ riêng người dân Phú Thọ hay của riêng tỉnh thành nào. Sự thống nhất, kết nối về ý thức chung của cộng đồng, của cả dân tộc và đất nước về một dòng chảy văn hóa tâm linh.
Di tích Đền Hùng là địa điểm nhắc chúng ta luôn ghi nhớ, thực hiện lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào sáng ngày 19 tháng 9 năm 1954 tại đền Giếng thuộc khu di tích Đền Hùng đến các cán bộ chỉ huy thuộc Đại đoàn quân Tiên Phong (Sư đoàn 308 ) khi hành quân về tiếp quản thủ đô Hà Nội rằng “…Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời dạy của Bác trước tình hình cách mạng Việt Nam có bước chuyển sang giai đoạn mới là Miền Bắc tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, Miền Nam tiếp tục đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược tiến tới thống nhất đất nước và ở một địa điểm linh thiêng đã khắc sâu trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam suốt nhiều thế hệ khác nhau. Đó cũng là sự tổng kết, đúc rút ra quy luật ngàn đời của dân tộc ta là dựng nước luôn gắn liền với giữ nước.

Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022 với chủ đề “Linh thiêng nguồn cội, Đất Tổ Hùng Vươnggắn liền với kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Để phù hợp và thích ứng linh hoạt, hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch với phương châm lấy người dân làm trung tâm, tạo điều kiện cho các địa phương và nhân dân cả nước trực tiếp tổ chức các hoạt động thiết thực hướng về nguồn cội, tri ân công đức Tổ tiên nên công tác tổ chức Giỗ Tổ năm nay được điều chỉnh với tiêu chí phần lễ đảm bảo trang nghiêm, trọng thể, thành kính, mang tính cộng đồng sâu sắc và phần hội vui tươi, lành mạnh nhưng phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là nơi tổ chức những sự kiện quan trọng thu hút đông đảo người dân tham dự.
Trong tình hình mới, những chặng đường phát triển của dân tộc, của Việt Nam đang đứng trước nhiều thuận lợi đan xen cùng không ít thách thức lớn với sự ảnh hưởng tổng hợp và diễn biến phức tạp. Lời căn dặn của Bác Hồ: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” vẫn vẹn nguyên tính thời sự nóng hổi về bài học dựng nước đi đôi với giữ nước, bài học về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân để giữ vững toàn vẹn non sông mà thế hệ cha ông đã ra sức xây dựng. Trách nhiệm của thế hệ ngày nay và muôn đời sau là ra sức bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa Thời đại Hùng Vương để hiểu, hướng về cội nguồn dân tộc góp phần giáo dục truyền thống và củng cố khối đại đoàn kết, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc.

Tác giả: Th.S Phan Thị An Phú - Phòng TCHCTTTL

Tổng số điểm của bài viết là: 50 trong 22 đánh giá

Xếp hạng: 2.3 - 22 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây