Trường chính trị Trần Phú Hà Tĩnh

https://truongchinhtrihatinh.gov.vn


Công tác xây dựng Đảng góp phần quan trọng vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 và Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mở ra cho dân tộc Việt Nam kỷ nguyên mới: độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Đảng ta đã rút ra nhiều bài học lịch sử to lớn, có ý nghĩa thời đại. Công tác xây dựng Đảng thời kỳ này góp phần quan trọng vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu.
Kể từ khi Đảng ta ra đời đến khi lãnh đạo Nhân dân ta làm nên thắng lợi Cách mạng Tháng Tám có thể chia làm 4 thời kỳ gắn liền với các phong trào cách mạng: 1930-1931; 1932-1935; 1936-1939; 1939-1945. Có thể nói thời kỳ cách mạng 1939-1945 rất cam go, khắc nghiệt bởi kẻ địch khủng bố gắt gao phong trào cách mạng, giết hại nhiều đồng chí của chúng ta, trong đó có nhiều lãnh tụ của Đảng. Đồng thời có sự kiện tiêu biểu quyết định thắng lợi của cách mạng: sự chuyển hướng chiến lược, chuẩn bị mọi lực lượng, kể cả chính trị và quân sự để làm nên thắng lợi Cách mạng Tháng Tám: thành lập Mặt trận Việt Minh. Đây cũng là thời kỳ mà chủ nghĩa phát -xít, trong đó có phát -xít Nhật bị đánh bại, đầu hàng. Đặc biệt, thời kỳ này gắn bó chặt chẽ với tên tuổi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, sau 30 năm bôn ba khắp năm châu bốn biển đã tìm thấy con đường cách mạng đúng đắn và trở về vận dụng vào cách mạng nước ta, trực tiếp lãnh đạo thắng lợi cách mạng nước nhà... Có thể nói, trong vòng 5 năm, công tác xây dựng Đảng thời kỳ này đã góp phần chuẩn bị rất khẩn trương, tỷ mỷ, chu đáo cả về đường lối chính trị, củng cố tổ chức, lực lượng nòng cốt lãnh đạo cách mạng cũng như công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng. Ngoài những yếu tố khách quan của cách mạng thế giới, sự chuyển hướng chiến lược cách mạng của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và việc thành lập Mặt trận Việt Minh, tập hợp đông đảo các giai cấp, tầng lớp, đồng bào, công tác xây dựng Đảng thời kỳ 1939-1945 đã góp phần quyết định làm nên thắng lợi của thắng lợi Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, chứ hoàn toàn không phải là chuyện “ăn may” như một số người vẫn rêu rao bấy lâu nay.
 
Ngày 19/8/1945, sau cuộc míttinh tại quảng trường thành phố, nhân dân Thủ đô đánh chiếm Bắc bộ Phủ, cơ quan đầu não của chính quyền tay sai Pháp ở Bắc Bộ
Ngày 19/8/1945, sau cuộc míttinh tại quảng trường thành phố, nhân dân Thủ đô đánh chiếm Bắc bộ Phủ, cơ quan đầu não của chính quyền tay sai Pháp ở Bắc Bộ

    Những năm 1939-1945, là thời kỳ hoạt động của Đảng có nhiều khó khăn, các chi bộ, tổ chức đảng, các lãnh tụ và đảng viên, phong trào cách mạng bị địch khủng bố gắt gao, ác liệt, nhiều lãnh tụ bị bắt tù đầy đến chết hoặc bị xử bắn. Cuối năm 1940, Nghị quyết của Hội nghị Trung ương các ngày 6, 7, 8, 9-11-1940 đã chỉ rõ tình hình Đảng ta lúc bấy giờ: số lượng đảng viên ở Trung, Nam, Bắc kỳ “ít ỏi quá”, “Đảng bộ ba xứ bị thiệt thòi khá nhiều bởi cuộc khủng bố tháng 9-1939” (Văn kiện Đảng, Toàn tập, tập 7, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2000; tất cả những câu chữ trong ngoặc kép của bài này đều trích dẫn từ sách này). Chất lượng đảng viên thì “đa số là dân cày và tiểu tư sản”. Sau cuộc khủng bố của địch, sự chuyển hướng vào hoạt động bí mật, nhiều tổ chức, chi bộ đảng hoạt động “không được mau lẹ và không khéo”, nhiều chi bộ đảng, nhất là ở các hầm mỏ, nhà máy, xí nghiệp..., bị phá hoại. Điều đó làm cho thành phần công nhân của Đảng “đã kém lại kém thêm” (tr.60). Trình độ đảng viên, tuy đều biết chữ, song “trình độ hiểu biết phổ thông kém nên công việc nghiên cứu và tự luyện rất chậm chạp” (tr.59). Đến thời kỳ này, “Ban Trung ương chấp hành” bị thất bại gần hết nên “việc chỉ huy toàn Đảng không được thống nhất. Xứ nào riêng xứ ủy ấy chỉ huy, và sự liên lạc giữa các cơ quan chấp hành các xứ cũng không được liên tiếp” (tr.61). Cũng xin được nhắc lại rằng, trong 15 năm đấu tranh (1930-1945), đã có 14 đồng chí cấp Trung ương bị tra tấn đến chết hoặc bị giết hại, trong đó có bốn đồng chí Tổng Bí thư của Đảng là các đồng chí: Trần Phú (9-1931); Hà Huy Tập (8-1941); Nguyễn Văn Cừ (8-1941); Lê Hồng Phong (9-1942)... Chính vì tình hình trên, phong trào quần chúng thời kỳ này cũng có nhiều hạn chế, phát triển không đều, thiếu sự chỉ huy thống nhất của Đảng. Điều đáng chú ý là thời kỳ này, trong Đảng có cả xu hướng tư tưởng hữu khuynh, cả xu hướng tả khuynh, đồng thời với sự phá hoại, xét lại Chủ nghĩa Lê-nin của bọn Tơ-rốt-kít và bọn AB chui vào Đảng ta để phá hoại... Ấy vậy mà Đảng ta, đứng đầu là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, củng cố, xây dựng lực lượng, chớp thời cơ, lãnh đạo nhân dân vùng lên đấu tranh đánh đổ phát xít Nhật, giành chính quyền cách mạng trong cả nước, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong thời kỳ có tính bản lề hết sức quan trọng này, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, điều lệ, hướng dẫn, quy định, thư từ... một cách toàn diện và cụ thể, tỷ mỷ... nhằm thống nhất quan điểm, hành động, đấu tranh với những quan điểm sai trái, phản động, củng cố tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ cách mạng, phát triển đảng viên, xiết chặt công tác kiểm tra, kỷ luật, tăng cường vận động quần chúng, nhân dân, chuẩn bị lực lượng, bảo đảm thắng lợi của cách mạng khi thời cơ đến. Nhìn lại công tác xây dựng Đảng thời kỳ này, chúng ta thấy nổi lên một số mặt công tác nổi trội, để lại nhiều kinh nghiệm quý như sau:
 
    Trước hết, kiên định lập trường, đường lối cách mạng đã lựa chọn, đồng thời vận dụng khéo léo Chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của thế giới và đất nước. Về tư tưởng chính trị, trên đường lối nghị quyết các hội nghị Trung ương từ cuối năm 1939 đến đầu năm 1941 phát triển hoàn chỉnh, nhất là Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám (tháng 5-1941), Đảng đã thay đổi khẩu hiệu cách mạng, thống nhất các quan điểm về cách mạng giải phóng dân tộc chỉ đạo kiên quyết, tập trung, thống nhất; xác định rõ các hình thức và phương pháp cách mạng phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể, tổ chức xây dựng lực lượng cách mạng, bao gồm lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang. Đảng ta đã lãnh đạo kiên quyết đấu tranh chống lại các xu hướng “hữu và tả”, chủ yếu là đấu tranh chống ảo tưởng cải lương. Trước yêu cầu phải quyết tâm dùng hành động bạo lực vũ trang đánh đổ kẻ thù, giành chính quyền vào tay nhân dân, thì tư tưởng cải lương, dù bất cứ ở hình thức và mức độ nào, là sai lầm và vô cùng nguy hiểm. Vì nó làm tan rã tinh thần và ý chí cách mạng của Đảng, của các đảng viên. Đường lối đúng đắn của Đảng thể hiện trong các nghị quyết, chỉ đạo thời kỳ này là cơ sở để thống nhất tư tưởng, hành động trong toàn Đảng. Đảng đã tập trung công tác tuyên truyền giáo dục vào các vấn đề cơ bản trên đây, làm cho cán bộ, đảng viên và quần chúng thấm nhuần sâu sắc và quán triệt nó trong nhận thức và hành động. Một vấn đề nổi bật trong giai đoạn này là, mặc dù trong thời kỳ cam go, nhưng với tinh thần dũng cảm, cầu thị, tự phê bình và phê bình, với bút danh Trí Cường, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã viết cuốn “Tự chỉ trích” (Tác phẩm được BCH Trung ương Đảng thông qua, in và phát hành vào ngày 20-7-1939) nêu rõ mục đích, nội dung, phương pháp tự phê bình, phê bình của người đảng viên, qua đó đấu tranh chống lại những tư tưởng, nhận thức sai trái nhằm giữ vững và phát huy đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Tác phẩm đã phê phán hai khuynh hướng sai lầm trong Đảng và nhấn mạnh: Đảng phải chiến thắng những xu hướng sai lầm trong hàng ngũ làm cho Đảng cách xa quần chúng, lãng quên sự tuyên truyền Chủ nghĩa Mác - Lênin, rời bỏ những nguyên tắc cách mạng. Trong thời kỳ này, Đảng ta còn ban hành những văn bản hướng dẫn giữ gìn bí mật, chống khủng bố, kinh nghiệm nhận biết các phần tử AB chui vào nội bộ Đảng.
 
    Thứ hai, củng cố Đảng về tổ chức. Trong thời kỳ này kẻ địch khủng bố, càn quét dã man, nhiều tổ chức đảng bị phá hoại, tan rã, tê liệt. Chính vì vậy, Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám của Trung ương Đảng đặt lên hàng đầu về “Vấn đề củng cố nội bộ”, đây là “công tác vô cùng khẩn cấp” (tr.187), khẳng định Đảng phải là một tổ chức “cứng cỏi” mới lãnh đạo nổi cuộc khởi nghĩa. Củng cố nội bộ thời kỳ này tập trung vào tám vấn đề nổi lên: 1). Phân biệt rõ ràng tổ chức đảng và tổ chức quần chúng; 2). Quần chúng nào đủ điều kiện vào Đảng thì cho vào, quần chúng nào không đủ điều kiện thì “gạt ra ngay” không để sinh hoạt lẫn lộn; 3). Huấn luyện, giao công tác cho đảng viên mới theo điều lệ; 4). Kiên quyết khai trừ những phần tử lười biếng, hủ bại, lợi dụng cách mạng; 5). Các tỉnh ủy sẽ do xử ủy trực tiếp chỉ huy, đảng bộ tỉnh nào mà “cơ sở còn hẹp”, chưa đủ điều kiện thành lập một tỉnh ủy, không được tự ý thành lập tỉnh ủy lâm thời; 6). Các cán bộ phải làm việc theo nguyên tắc, được phân công rõ ràng theo năng lực và được “củ soát” chặt chẽ; 7). Các đảng viên phải “củ soát” lẫn nhau; 8). Đảng viên phải “tự chỉ trích một cách Bôn-sơ-vích” (tr.187). Trên báo Giải phóng, số 2, tháng 6-1941, với bút danh Thiết Tâm, Tổng Bí thư Trường Chinh có bài viết “Củng cố Đảng”, trong đó chỉ ra hàng loạt khuyết điểm của một số đảng bộ sao nhãng trong việc phân công công tác cho đảng viên, những hạn chế trong việc “đào luyện” cán bộ, trong sinh hoạt chi bộ, đồng thời khẳng định “Cái sinh lực của Đảng là ở chỗ giải quyết được vấn đề “Sinh hoạt chi bộ” (tr.171). Vào năm 1940, Đảng ta ban hành hẳn một tài liệu nói về “công tác chi bộ” trong đó nói rất rõ ràng cụ thể như: Chi bộ là gì? Nhiệm vụ của chi bộ; Cách tổ chức chi bộ; Công tác chi bộ; Chi bộ giáo dục, huấn luyện thế nào? Chi bộ làm thế nào để phát triển công tác cách mạng giải phóng… (tr.142 đến 151). Sau Hội nghị Trung ương lần thứ tám, Đảng ta ban hành “Điều lệ tóm tắt của Đảng” trong đó có 27 điều quy định rõ ràng, cụ thể từ tên Đảng, tôn chỉ mục đích, điều kiện vào Đảng, điều kiện giới thiệu, nguyên tắc và hệ thống tổ chức đến nguyên tắc sinh hoạt của Đảng từ Trung ương đến chi bộ và kỷ luật đảng. Trong Nghị quyết của Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, họp ngày 23 đến 28-2-1943, để củng cố Đảng, Ban Thường vụ đề ra nhiều giải pháp, trong đó “Trung ương và các xứ ủy phải thành lập ủy ban tổ chức để chuyên môn nghiên cứu vấn đề tổ chức” (tr.309). Điều đáng chú ý là, ngay từ hồi đó, điều lệ đã quy định “trách nhiệm của người giới thiệu”. Đó là: “Người giới thiệu phải biết lý lịch, chỗ ở, nơi làm của người mình giới thiệu; nếu giới thiệu không xác thực thì người giới thiệu phải chịu lỗi, từ phê bình, tới khai trừ ra Đảng” (tr.138). Rất nhiều quy định của Đảng liên quan đến công tác củng cố tổ chức đảng đã góp phần nâng cao tính kỷ luật, nguyên tắc tổ chức, sức chiến đấu của tổ chức, ngăn chặn những phần tử cơ hội, phản động chui vào tổ chức, đồng thời loại bỏ những đảng viên hủ hóa, phản động, làm mất thanh danh của Đảng ra khỏi đội ngũ đảng viên... Nhiều nội dung trong bài học kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng thời kỳ này đến nay vẫn còn giá trị thời sự trong tình hình hiện nay.
 
    Thứ ba, xây dựng đội ngũ cán bộ, phát triển đảng viên. Trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương tám, Đảng ta đã chỉ rõ những khuyết điểm về công tác cán bộ như: “thiếu cán bộ chỉ đạo”; thiếu cán bộ chuyên môn”; “Thành phần vô sản trong Đảng rất ít” (tr.133), “Đảng ta hiện rất khổ tâm về vấn đề cán bộ” (tr.170). Do vậy, Đảng chủ trương phải “trước hết ta phải đào tạo cho kỳ được những cán bộ công vận và binh vận” và “lựa chọn những cán bộ thích hợp, đào tạo cho họ đủ năng lực và tinh thần chuyên môn nghiên cứu về công tác ấy” (tr.134) và chú ý đào tạo những người thuộc “giai cấp vô sản đem vào Đảng” (tr.135). Trong Nghị quyết “Hội nghị cán bộ toàn xứ Bắc kỳ, ngày 25, 26, 27-9-1941” có hẳn Mục X “Vấn đề cán bộ...” Đảng ta yêu cầu “phải áp dụng một chính sách cán bộ cho thật đúng, một chính sách cán bộ Bôn-sơ-vích” (tr.194), trong đó có những điểm đáng chú ý là như: “phải biết điều động cán bộ” để tránh “đầu óc địa phương” nhưng lại không được điều động cán bộ “một cách vô lối”; phải biết “cất nhắc cán bộ; phải biết dìu dắt cán bộ; phải đào tạo cán bộ, chú ý đến những người bị khủng bố phải thoát ly”; “đừng hứa hẹn sẽ điều động đi nơi này nơi khác, sẽ mang đi chiến khu để họ đợi chờ, rồi quay ra hoài nghi oán trách Đảng...” (tr.196-197). Trong Nghị quyết của Hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương, ngày 14, 15-8-1945, khi mà Cách mạng đã nổ ra ở một số địa phương, Đảng ta cũng có hẳn một mục “Vấn đề cán bộ” trong đó chỉ rõ: “1. Trung ương cũng như các xứ ủy phải có ban chuyên môn để đào tạo cán bộ. Mỗi tỉnh chí ít phải có một huấn luyện viên chuyên môn. 2. Phải quý cán bộ và giữ gìn cán bộ. 3. Phân phối cán bộ cho hợp lý; dùng cán bộ cho đúng; 4. Năng kiểm tra cán bộ. 5. Hết sức giúp đỡ các cán bộ quần chúng (cán bộ Việt Minh). Đặc biệt chú ý đào tạo cán bộ địa phương và cán bộ dân tộc thiểu số” (tr.432).
 
    Như trên đã nói, thời kỳ này do địch khủng bố mà số lượng đảng viên nhiều nơi bị giảm sút, do vậy, phát triển đảng viên nhưng bảo đảm chất lượng là việc rất quan trọng. Đảng ta đã ban hành Chỉ thị về “Củng cố và phát triển đảng viên”, trong đó yêu cầu đồng thời với việc thanh lọc những đảng viên hư hỏng, hủ hóa, phản động cần phát triền đảng viên mới. Bởi vì, “Đảng có được phát triển thì sự lãnh đạo của Đảng trong cao trào kháng Nhật cứu nước mới được vững chắc và sáng suốt” (tr.405). Trong công tác phát triển đảng, Đảng ta yêu cầu “đặc biệt chú ý những phần tử hăng hái nhất, tiên tiến nhất để rèn cập tính cách của họ” (...), phải cho họ tham gia những lớp huấn luyện chính trị, công tác Đảng” (tr.405-406). Trong việc phát triển đảng viên mới, Đảng ta yêu cầu không bỏ qua những điều cốt yếu: 1). Trung thực, hy sinh, tích cực hoạt động và trọng kỷ luật. 2). Có công tác thực tế trong quần chúng và có triển vọng trên đường cách mạng. 3). Có ý thức về Đảng nghĩa là muốn gia nhập để tình nguyện nhận lấy nhiệm vụ nặng nề, nguy hiểm hơn ở trong tổ chức quần chúng” (tr.406). Do đặc biệt quan tâm vấn đề phát triển đảng viên mà đến năm Cách mạng Tháng Tám nổ ra, toàn Đảng đã có 5.000 đảng viên với chất lượng và tính kỷ luật cao làm nòng cốt cho cách mạng và phong trào quần chúng.
 
    Thứ tư, thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, thi hành kỷ luật của Đảng. Trong bối cảnh cam go, ác liệt, yêu cầu cao của phong trào cách mạng, công tác kiểm tra của Đảng thời gian này, tuy chưa có cơ quan kiểm tra chuyên trách, nhưng công tác kiểm tra, kỷ luật như những người lính gác cổng, góp phần làm cho các nghị quyết, chỉ thị được thực hiện nghiêm, cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần kỷ luật, các phần tử có nhiều phần tử cơ hội, phá hoại, phản động không chui vào được trong Đảng, bảo đảm cho tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh. Trong thời kỳ này, Đảng ta chưa có nghị quyết, chỉ thị riêng về công tác kiểm tra, kỷ luật nhưng trong nghị quyết, chỉ thị, văn bản quan trọng đều đề cập công tác này. Trong công tác củng cố tổ chức đảng, Đảng ta yêu cầu coi trọng “Củ soát là một công việc rất cần của các đồng chí chấp hành. Các BCH phải năng phái người xuống cấp dưới mà củ soát việc thi hành nghị quyết và chỉ thị của Đảng”. “Phải nghiêm giữ và thi hành kỷ luật sắt của Đảng. Muốn cho các đồng chí hiểu rõ kỷ luật sắt của Đảng, phải mở rộng trong toàn Đảng một cuộc nghiên cứu kỹ về Điều lệ Đảng” (tr.309). Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà BCH, đứng đầu là đồng chí bí thư, có nhiệm vụ “củ soát” là việc thi hành nghị quyết của Đảng. Khi có nghị quyết, “đồng chí bí thư chiêu tập ngay cuộc hội nghị của cấp bộ mình để thảo luận nghị quyết (...) đồng thời ấn định kế hoạch thi hành”; “BCH phải củ soát và đôn đốc ráo riết, mỗi kỳ sinh hoạt của cấp bộ phải kiểm điểm công việc của từng đồng chí một”: “Hằng tháng ban chấp ủy phải báo cáo lên thượng cấp nói rõ về công việc thi hành nghị quyết ở cấp bộ mình” (tr.349). Đồng chí bí thư từ Trung ương đến chi bộ có nhiệm vụ kiểm soát việc thi hành nghị quyết của cấp dưới cũng như kiểm soát cán bộ, đảng viên việc thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao cũng như tác phong, sinh hoạt hằng ngày. Trong tình thế cách mạng gấp gáp, khẩn trương, giờ khởi nghĩa đã sắp đến, Ban Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ chỉ thị phải khẩn trương hơn nữa trong củng cố và phát triển Đảng, trong đó yêu cầu “các cấp ủy và các bí thư nhớ đến hai vấn đề rất quan trọng là: “Tự chỉ trích và thi hành kỷ luật Đảng” (tr.406). Còn việc thi hành kỷ luật sắt Đảng một cách “sáng suốt và nghiêm ngặt trong tình thế này”; “kỷ luật sắt là do sự giác ngộ con đường chính trị đúng mà phục tùng”, “Kỷ luật sắt là điều kiện tất yếu cho sự thắng lợi” (tr.156). Đồng thời với việc kết nạp đảng viên, kỷ luật sắt của là cương quyết khai trừ những phần tử “hủ hóa, thoái lui” (tr.433); “đuổi hết những phần tử cơ hội, hủ hóa, lợi dụng, lười biếng ra khỏi Đảng và hết sức đề phòng không cho bọn khiêu khích, những phần tử A.B... chui vào Đảng” (tr.308). Nhờ làm rất tốt công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng mà trong thời kỳ này, Đảng ta ngăn chặn được những phần tử cơ hội, phản cách mạng, hủ hóa, biến chất, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo nhân dân đoàn kết, nhất tề đứng lên giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám 1945.
 
    Đặc biệt, khi nói đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 là phải nói đến nghệ thuật tập hợp, vận động quần chúng, nhân dân. Mặt trận Việt Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, đã tập hợp, đoàn kết được tất cả các giai cấp, tầng lớp nhân dân nhất tề đứng lên, chớp thời cơ làm cách mạng và chỉ chưa đầy một tháng, tất cả chính quyền đã về tay nhân dân. Việc thành lập Mặt trận Việt Minh để là thay đổi cả chiến lược, chiến thuật cách mạng của Đảng đã trở thành một nghệ thuật vận động quần chúng, nhân dân và một bài học kinh điển mang tính thời đại.
                                                                                                                               Vũ Lân

Nguồn tin: Trang tin điện tử Ban Nội chính Trung ương

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây